Gói hỗ trợ khẩn cấp qua mất 'giờ vàng'

28/05/2024 06:23 GMT+7

Hỗ trợ lãi suất, tiền thuê nhà ít người vay, giải ngân thấp khiến các gói hỗ trợ thuộc Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt hiệu quả.

Gói hỗ trợ,nhìn đâu cũng thấy tắc

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội (QH) chỉ ra một số chính sách tại Nghị quyết 43 sau 2 năm triển khai vẫn còn nhiều hạn chế khiến kết quả không thể đạt như kỳ vọng. Điển hình như gói hỗ trợ lãi suất (LS) 2%/năm giải ngân rất thấp, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; tương đương 1.218 tỉ đồng. Như vậy số vốn trong chương trình dự kiến được hỗ trợ nhưng chưa giải ngân còn gần 38.800 tỉ đồng.

Gói hỗ trợ khẩn cấp qua mất 'giờ vàng'- Ảnh 1.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm giải ngân rất thấp

Nhật Thịnh

Trước đó, khảo sát từ Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cho thấy chỉ có 29,5% doanh nghiệp (DN) biết tới chính sách hỗ trợ LS 2%. Kết quả khảo sát của VCCI cũng chỉ ra khoảng 2% DN nhận được khoản vay từ gói này, nhưng gần 57% đơn vị gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.

Tương tự, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) chỉ đạt 56% kế hoạch, tương ứng số tiền giải ngân đạt hơn 3.700 tỉ đồng. Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ thuê nhà. Số tiền còn dư 2.800 tỉ đồng trong gói hỗ trợ này chuyển lại ngân sách trung ương để làm nhiệm vụ cấp bách khác. Bộ này cho rằng tỷ lệ giải ngân thấp do tính toán số lao động cần hỗ trợ ban đầu cao hơn thực tế và thiếu cơ sở dữ liệu về tình trạng nhà ở công nhân. Bên cạnh đó, nhiều địa phương sợ sai, ban hành kế hoạch lẫn xét duyệt hồ sơ chậm. Nhiều công nhân bỏ qua gói hỗ trợ do thấy thủ tục phức tạp trong khi số tiền không nhiều (chỉ 1,5 - 3 triệu đồng)… phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.

Một chương trình khác là cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập cũng rơi vào tình trạng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Cụ thể, chương trình này được ban hành có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỉ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19. LS của gói hỗ trợ này chỉ 3,3%/năm, là mức LS ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội. Thời gian thực hiện cũng gần 2 năm (từ cuối tháng 4.2022 đến hết năm 2023)... nhưng theo báo cáo, trong số 272 dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'

Thủ tục: Khó cả người cho và được vay

Nhiều đại biểu QH đã chỉ ra những nguyên nhân khiến các gói hỗ trợ thuộc Nghị quyết 43/2022 giải ngân ở mức thấp, không phát huy hiệu quả. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm; danh mục dự án trình QH không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ; Chậm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong triển khai… Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình rằng, việc triển khai vẫn gặp phải "một rừng vướng mắc".

Gói hỗ trợ khẩn cấp qua mất 'giờ vàng'- Ảnh 2.

Nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chậm

Ngọc Thắng

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thẳng thắn chỉ ra rằng một số gói hỗ trợ ngay từ đầu khi xây dựng và triển khai đã được đánh giá có nhiều kẽ hở, nhiều bất cập, không phù hợp, nên kết quả không thực thi được là điều tất yếu. Đơn cử, gói hỗ trợ LS 2%/năm rất thiếu tính thực tiễn. Về phía người hỗ trợ là NH không muốn cho vay. Thứ nhất, do NH phải ứng tiền hỗ trợ cho người được vay nhưng sau đó phải thanh toán, quyết toán theo quy định khoản chi từ ngân sách nhà nước, thủ tục thanh tra kiểm tra rất lằng nhằng, rắc rối. Trong khi đó, đối tượng được hỗ trợ chỉ nằm trong 11 ngành nghề, chiếm số lượng nhỏ trong tổng thể nền kinh tế cũng như chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn tín dụng.

Trước đó, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã triển khai từ hồi 2008 - 2009 cũng để lại bài học tương tự, nhiều NH đến giờ cũng vẫn chưa quyết toán, thanh toán xong phần giấy tờ, thủ tục. Do đó, NH sẽ không "dại" gì mà lao vào chỗ khó. Về phía DN được hỗ trợ cũng không hào hứng bởi hàng rào yêu cầu, điều kiện để tiếp cận được nguồn tín dụng hỗ trợ rất khó khăn. Nếu vay

1 tỉ đồng thì được hưởng lãi suất ưu đãi 20 triệu đồng. Con số này nghe có vẻ lớn, nhưng thực chất các chi phí, quản lý phát sinh để phục vụ cho công tác kiểm tra sau này có khi còn tốn nhiều hơn. Chưa kể, phải đối diện cả nguy cơ vi phạm, phạt… nếu không đáp ứng các quy định thủ tục hậu kiểm, kiểm toán…

"Giới hạn 11 ngành nghề được hưởng ưu đãi thì số lượng DN đã ít rồi, còn thêm lớp lọc điều kiện nữa, đối tượng càng bị hạn chế hơn. Cả người hỗ trợ và người được hỗ trợ đều không muốn thì làm sao thực thi được?", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề.

Tương tự, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ cũng chỉ hướng tới một đối tượng nhỏ. Chẳng hạn, trong 1 DN có 60 - 70% NLĐ phải đi thuê nhà, thì 30 - 40% NLĐ còn lại sẽ không được hỗ trợ, tạo nên sự bất bình đẳng. Hoặc tiền thuê nhà mỗi nơi mỗi khác, Hà Nội giá khác, TP.HCM giá khác, nếu chỗ nào cũng hỗ trợ cào bằng như nhau thì không ổn.

Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng những nguyên nhân khiến nhiều gói hỗ trợ bị tắc trong triển khai đã được đề cập rất nhiều từ khi bắt đầu thực hiện. Cụ thể, gói hỗ trợ LS 2% khó thực hiện đối với cả DN đi vay và NH cho vay là điều kiện quá chặt chẽ. Một trong những điều kiện là khách hàng phải "có khả năng phục hồi". Quy định này đặt ra khả năng rủi ro cho cả người đi vay lẫn người cho vay vì có thể không phục hồi bởi trong tình hình kinh doanh thì mọi vấn đề có thể xảy ra. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi. Đồng thời, nhiều DN e ngại nếu đi vay gói hỗ trợ LS từ ngân sách nhà nước sẽ đối mặt với việc thanh tra kiểm toán. Còn đối với một số chương trình hỗ trợ khác dù rất tốt nhưng triển khai chậm đã không còn ý nghĩa.

Chẳng hạn, chương trình "Sóng và máy tính cho em" có mục tiêu trang bị máy tính bảng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích VN với tổng kinh phí tối đa 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ các em học sinh đang ở địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 có điều kiện học online. Tuy nhiên, đến khi triển khai thì nhiều địa phương không cần nữa, do học sinh đã đi học trở lại… Hay như chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ nhằm khuyến khích quay trở lại chỗ làm, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19. Nhưng đến lúc triển khai thì chậm nên cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Nên hỗ trợ trực tiếp vào "túi tiền" người dân, DN

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá các chính sách hỗ trợ về mặt chủ trương rất nhanh, mạnh nhưng không phải ban hành là có thể thực thi được ngay. Quá trình triển khai chính sách ở VN thường rất lâu, chậm, vướng nhau, thậm chí xung đột nhau… Ở góc độ ra chính sách thì rất tốt nhưng dẫn đến muộn về mặt thực tiễn, lỗi ở khâu thực thi. Đáng nói, các gói hỗ trợ này mang tính chất "cấp cứu", là vô cùng cấp bách nên yếu tố tốc độ mang ý nghĩa quan trọng nhất. Bệnh nhân nếu để qua "giờ vàng" thì sẽ không gượng nổi.

Gói hỗ trợ khẩn cấp qua mất 'giờ vàng'- Ảnh 3.

Nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động triển khai chậm

Đào Ngọc Thạch

"Hiện nay, nhiều DN của VN vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn ngấp nghé "giờ vàng". Khó không chỉ là nguồn vốn mà còn khó ở thị trường. Giai đoạn đầu, chúng ta tập trung giải tỏa vốn cho DN, đa số các biện pháp tập trung vào đầu vào. Song, nguyên tắc cơ bản của kinh tế là thông nhau. Nếu không chú ý đến tổng cầu, không bàn đến chuỗi, trong đó có tính toán cho thị trường đến khâu cuối cùng, thì chắc chắn sẽ tắc", ông Thiên ví von.

Để giải quyết vấn đề đầu ra, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng đừng chỉ bàn câu chuyện vốn mà phải xét câu chuyện cơ chế giá. Giả định với những ngành đã trong một cơ chế giá thị trường thì lúc đó phải bàn đến kích thích tổng cầu. Đơn giản như kích thích tiêu dùng bằng việc thành lập các quỹ bảo lãnh cho vay tiêu dùng; những chương trình phục hồi kinh tế phải đẩy mạnh giải ngân hơn nữa, thậm chí phải "bơm" ngân sách ra để chi tiền mặt cho NLĐ, người có thu nhập thấp.

Giai đoạn này, DN khó khăn, NLĐ mất việc nhiều, nếu hỗ trợ bằng tiền mặt để họ có điều kiện chi tiêu thì không chỉ "cứu" NLĐ mà còn là "cứu" cả DN, cả nền kinh tế. Người dân hưởng lợi thì DN cũng hưởng lợi. Như vậy nền kinh tế mới hồi phục được. "Rồi chính sách thuế phải giảm mạnh hơn. Nếu giảm được xuống 5% thì có được không? Hoàn thuế giá trị gia tăng nữa, tại sao không hoàn lại cho DN? Đây cũng là lúc cần lập ra những quỹ bảo lãnh cho vay để yểm trợ NH. Các DN có triển vọng sẽ có thêm nguồn lực để nuôi sống dự án cho đến khi ra tới thị trường. Cần hỗ trợ giảm LS thật sự cho DN hướng tới thị trường tương lai. Những DN, dự án hướng tới phát triển sản phẩm xanh, cần những điều kiện cấp bách để đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế thì cũng phải "cấp cứu" cho vay ưu đãi….", PGS-TS Trần Đình Thiên đề xuất.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng từ thực hiện Nghị quyết 43 của QH thì có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc đưa ra các chương trình hỗ trợ cho người dân, DN sau này. Đó là thiết kế thời điểm triển khai, thực hiện như thế nào là quan trọng nhất. Nhiều chương trình hay, tích cực nhưng triển khai chậm thì không còn ý nghĩa, người được hỗ trợ không cần hỗ trợ đó nữa.

Đặc biệt, từ thực tiễn của các chương trình hỗ trợ từ trước đến nay thì các chương trình giảm thuế, phí là có hiệu quả nhất, triển khai nhanh nhất. Cụ thể, chương trình giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với hàng hóa, dịch vụ thì các DN đều biết vì không cần phải đi qua các cấp quản lý, giám sát hay đốc thúc. Từ đó chương trình có thể đạt được hiệu quả mong muốn, tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. 

CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT KÉO DÀI THỜI HẠN GIẢI NGÂN ĐẾN HẾT NĂM 2025

Báo cáo gửi đoàn giám sát QH, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 43/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2025. Cụ thể, Nghị quyết 43/2022 bao gồm chính sách tài khóa (giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%); chính sách đầu tư phát triển tối đa 176.000 tỉ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 - 2023 với các nhóm:

- Y tế: bố trí tối đa 14.000 tỉ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật…

- An sinh xã hội, lao động việc làm: 5.000 tỉ đồng: Bao gồm cấp bù LS cho vay ưu đãi; nâng cấp, mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề…

- Hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Hỗ trợ LS 2%, tối đa 40.000 tỉ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng.

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: bổ sung tối đa 113.550 tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai…

Thiết kế các gói hỗ trợ sát thực tế

Chính phủ nên thiết kế những gói chính sách giảm trực tiếp, không nhất thiết phải đi vay mới được hỗ trợ. Hình thức giảm trực tiếp thiết thực và trao đúng đối tượng hơn. Có thể giảm chi phí cho DN bằng cách miễn giảm thuế nhưng việc miễn giảm này không đều đặn bởi DN phải có hoạt động, có doanh thu lợi nhuận mới được hỗ trợ. Hoặc có thể giảm trực tiếp chi phí tính trên sản lượng doanh thu kinh doanh của DN. Nếu năm trước đạt doanh thu 10 tỉ đồng thì năm nay hỗ trợ hẳn 1 tỉ đồng… Chính sách này mang tính chất khuyến khích các công ty vẫn cố gắng hoạt động, tạo công ăn việc làm cho NLĐ, có lãi…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Chuyên gia kinh tế)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.