Gói hỗ trợ lãi suất: Dư nợ 100.000 tỉ đồng đã đủ ‘cứu’ doanh nghiệp?

26/09/2021 09:21 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết sẽ tung ra gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng, tương ứng dư nợ lên tới 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) kiệt quệ bởi đại dịch Covid-19 .

"DN như trâu cày, trâu chết ngân hàng cũng chết"
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế NHNN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỉ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỉ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỉ đồng.
So với dư nợ tín dụng hiện nay của nền kinh tế khoảng gần 10 triệu tỉ đồng, con số trên chỉ chiếm khoảng 1%, chưa thấm gì so với khó khăn của DN sau 4 đợt dịch. Vì vậy các chuyên gia và cộng đồng DN đề nghị cần xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ này, tất nhiên đi kèm với các giải pháp kiểm soát lạm phát, để giữ được ổn định vĩ mô.
Tại tọa đàm trực tuyến diễn ra ngày 25.9, ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 là 56%, thặng dư ngân sách nhà nước 83.000 tỉ đồng, lạm phát khoảng 3,1%, dự trữ ngoại hối trên 3 con số (trên 100 tỉ USD - PV). “Tiền đồng Việt Nam đang mạnh lên đồng nghĩa nguồn lực tài chính chúng ta có, tại sao không có động thái cứu doanh nghiệp”, ông Kỳ đặt câu hỏi.
Theo ông Kỳ, DN ví như trâu đi cày, khi ốm thì người bảo cho ăn cỏ, người lại bảo cho uống nước, người khác lại kêu đắp chăn… nhưng không ai làm vì sợ động vào mất sức, chân tay bị bẩn và kết quả cuối cùng là con trâu chết. Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dòng tiền như ô xy đối với DN nên gói hỗ trợ cũng cần phải mở rộng quy mô và ban hành sớm. “Chính phủ phải coi DN là đối tác, không nên coi là đối tượng. Người quản lý nhà nước hãy chọn cái gì tốt nhất cho DN, người dân để làm chứ đừng chọn cái gì tốt nhất cho người quản lý để làm”, ông Kỳ đề nghị.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là cạn kiệt dòng tiền

NGỌC THẮNG

Bài học từ gói "kích cầu" 1 tỉ USD năm 2009

Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trong 2009, các chuyên gia kiến nghị NHNN phải tính toán cẩn trọng hợp lý. TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, cho biết năm 2009 chúng ta đã sử dụng khoảng 1 tỉ USD (tương đương 17.000 tỉ đồng thời điểm đó) để cấp bù lãi suất cho DN. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Mặt khác, sau gói kích cầu trên thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, chúng ta phải thành lập công ty quản lý tài sản để giải quyết hệ quả.
“Nếu gói hỗ trợ trên được sử dụng vào hiện tại thì có nhiều thuận lợi hơn. Trong đó, nguồn vốn được lấy từ ngân sách sẽ giúp khâu quyết toán đơn giản. Chỉ cần Bộ Tài chính quyết toán với ngân hàng giống như hàng năm làm với Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Hùng đề xuất và lưu ý thêm QH cần cho một cơ chế, nguyên tắc, điều kiện trong bối cảnh lịch sử nhất định để NH xem xét cho vay và DN có thể tiếp cận. Đồng thời, khi có cơ chế thì cũng phải tính toán xem kiểm soát, kiểm tra rủi ro như thế nào trước, sau và trong khi cho vay.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 khá mạnh tay nhưng do cách làm tương đối chủ quan về vĩ mô và vi mô nên có nhiều hậu quả. Do đó, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ phía NHNN, cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách. Hai biện pháp này lại tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các DN.
Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, theo ông Nghĩa, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Diễn biến dịch Covid-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên gói hỗ trợ đủ dài, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh. Tuy nhiên, phải rất cẩn trọng, tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có.
“Hiện tại, năng lực thể chế và năng lực của NHNN khác trước rất nhiều. QH, Chính phủ cũng hiểu rõ về các vấn đề kinh tế vĩ mô và những bài học để đời đã thấm thía là nền tảng quan trọng để thực hiện gói này. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam có nền tảng tài chính khá tốt, cải thiện đáng kể và tương đương với các ngân hàng trong khu vực”, ông Nghĩa đánh giá thêm về các yếu tố đảm bảo cho gói hỗ trợ được hiệu quả.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.