Thiếu ý thức?
Từng làm quản lý tại một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng, TP.Huế, anh Nguyễn Văn Vũ (34 tuổi, sống tại hẻm 131 Trần Phú, TP.Huế) kể: “Không phải mình bức xúc nhưng mình thấy các bạn trẻ thiếu ý thức. Nhiều khi có bạn ngồi lâu chắc thấy ngại nên gọi thêm nước, chứ có nhiều bạn vào ngồi từ 9 giờ sáng đến tối, mà gọi có một ly nước. Các bạn ôm laptop rồi sách vỡ đến ngồi học và làm việc, còn đem theo cả đồ ăn đã chuẩn bị sẵn nữa. Nói chung trường hợp này không hiếm, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng, các bạn tìm đến các quán cà phê để tránh nắng”.
tin liên quan
Mua vì thích, không mua vì cần
Cũng theo anh Vũ nhiều lúc muốn nhắc nhở các bạn nên ý thức nhưng làm thế sợ mất lòng khách, vì quán không có quy định là được ngồi bao nhiêu thời gian nên không thể nhắc nhở. “Chủ yếu là ở ý thức của khách, vì đa phần các quán cà phê đều cho ngồi thoải mái. Nhưng chí ít các bạn cũng biết ngại chứ, còn đằng này ngồi muốn mòn ghế, giống như quán là điểm đến cố định và cứ đến là yên vị đó cả ngày, cả đêm”, anh Vũ bày tỏ.
Đồng quan điểm với anh Vũ, chị Đặng Thị Ngọc Mai (39 tuổi) chủ một quán cà phê trên đường Rạch Bùng Binh, Q.3, TP.HCM tỏ vẻ không hài lòng khi nhắc đến những trường hợp gọi một ly nước nhưng ngồi hàng giờ ở quán: “Các bạn ngồi mà không biết ở những quận trung tâm này muốn thuê một mặt tiền để bán quán đâu phải ít tiền, như quán của mình diện tích chỉ nhỏ thôi nhưng tháng cũng gần mấy chục triệu đồng. Bạn đến gọi ly cà phê đen 25.000 đồng mà ngồi nguyên ngày. Rôi cắm xạc máy tính, xạc điện thoại,…nói chung là các bạn không nghĩ đến việc người ta đang kinh doanh và cần lời lãi”.
Nói rồi chị Mai phân trần: “Biết là mình mở quán thì phải chấp nhận, nhưng nhiều khi bực mình cũng không lên tiếng được. Vì có lúc bạn đó ngồi nguyên ngày mà chiếm nguyên cái bàn, nhiều khi khách đông vào cũng không có chỗ để ngồi phải đi ra. Buôn bán chuyện lời lỗ là do nhiều yếu tố, nhưng nếu khách nào ý thức cũng kém hay lợi dụng quán cà phê để tránh nắng, để xài điện, wifi miễn phí,… rồi ngồi đến mọc rễ ở quán thì thật sự muốn có lời cũng khó”.
Từng làm phục vụ quán cà phê, Ngô Thị Hồng Thương (cựu sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP.HCM) chia sẻ: “Chủ quán của mình ngày đó khó tính lắm, không nói với khách được là cứ càm ràm rồi nổi cáu với tụi nhân viên như mình. Thậm chí còn dùng những từ có vẻ rất 'chợ búa' để nói. Nói chung nhân viên như tụi mình toàn dính đạn thay không à”.
Và Thương cho biết những trường hợp ngồi lỳ cả ngày ở quán rất nhiều, thậm chí ăn rồi ngủ luôn ở quán, đến khi nói quán đóng cửa mới chịu về.
"Vì miễn phí thì tôi xài chứ có xin xỏ gì đâu"
Trước tâm sự của các chủ quán cà phê, nhiều bạn trẻ cho rằng nếu ngồi nguyên ngày thì cũng quá đáng nhưng ngồi vài giờ lại là chuyện thường.
“Tôi vào quán, trả tiền nước và những dịch vụ đi kèm như wifi, điện, nước,… là quán tự cung cấp miễn phí để phục vụ và giữ chân khách. Vì miễn phí thì tôi xài chứ có xin xỏ hay ăn cướp của ai đâu. Chủ quán than vãn rồi trách cứ thì vô lý quá...”, H.N.G.P (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) chia sẻ.
Không tán thành với việc ngồi nguyên ngày ở quán và chỉ gọi một ly nước, nhưng Lâm Gia Kỳ (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) cũng cho rằng nếu chủ quán phản ứng và cho rằng khách vô ý thức thì cũng không đúng: “Vì khách vào quán cũng đã trả tiền nước, trong tiền nước có các chi phí dịch vụ khác. Mà kinh doanh chuyện lời hay lỗ đâu thể phụ thuộc vào những người khách ngồi lỳ ở quán này. Thường mình vào quán nếu ngồi quá lâu mình cũng ngại và gọi thêm nước. Nhưng thật tâm vì mình thấy ngại nên mới vậy, chứ còn không mua thêm nữa thì cũng đâu có sao”.
“Buôn bán thì phải có người này người kia, nhiều khi cũng nhờ những bạn ngồi lỳ này mà biết đâu quán sẽ có khách hơn. Vì thường người ta sẽ thích đến những quán có đông khách, chứ quán vắng tanh cũng chẳng ai muốn vào. Mình nghĩ cái gì cũng có hai mặt lợi hại, chứ cứ nói hại hết thì sao được. Nói chung nghĩ tích cực thì mọi chuyện đều tích cực cả”, Nguyễn Thị Tường Vi (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ.
Bình luận (0)