Nói chuyện to trên xe buýt, hút thuốc trong bệnh viện, chen lấn khi xếp hàng… là những chuyện khiến không ít người bực dọc, phải tỏ thái độ.
Những hành động không đẹp
Tôi vào bệnh viện thăm một người bạn, giữa lúc các bệnh nhân đang chen chúc nhau xếp hàng làm thủ tục, có những bà mẹ ẵm con nhỏ lo lắng chờ đến lượt, vẫn có một thanh niên ngồi gần đấy thản nhiên hút thuốc lá, thỉnh thoảng lại vẫy vẫy tàn thuốc xuống nền gạch dù gần đó có bảng cấm hút thuốc.
tin liên quan
Lần lữa 'căn bệnh' khó chữa của người trẻNhiều bạn trẻ khác cũng gặp những người vô ý thức tương tự. Đặng Thị Minh Trâm, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều lần đi xe buýt mình bắt gặp những người thản nhiên nói chuyện ầm ĩ, có nhiều người còn xem phim, nghe nhạc to mà không chịu đeo tai nghe. Mặc dù quy định là không được làm ồn, mà họ cứ tự nhiên như ở nhà của mình vậy".
Câu chuyện của Lâm Khánh An, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng khiến nhiều người đồng cảm. An chia sẻ: “Nhiều lần mình xếp hàng mua đồ thì vẫn có những bạn tự nhiên chen ngang vào rất thiếu ý thức”.
“Mình gặp không ít người thiếu ý thức đến nỗi phải phát bực, trong rạp phim thì gác chân lên ghế, dừng xe ngã tư thì bóp còi inh ỏi dù chưa chuyển sang đèn xanh…”, Phan Hoàng Linh, 20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2, không giấu được vẻ khó chịu, nói.
Nên giải quyết khéo léo
Gặp những người thiếu ý thức, mỗi bạn lại có cách giải quyết khác nhau.
“Mình sẽ nhắc trực tiếp với họ, dù gì ở nơi đông người khi mà bị nhắc thì họ sẽ xấu hổ và sửa đổi”, Hoàng Linh nói.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị phản ứng ngược khiến người lên tiếng tái xanh mặt mũi. Câu chuyện của Lê Minh Chương, 21 tuổi, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, khiến nhiều người dè chừng trong việc bày tỏ thái độ trước những chuyện “chướng tai gai mắt”. Chương kể: “Ở phòng tập tạ, có thanh niên kia chốc chốc lại phun nước bọt tùm lum, thấy vậy mình lại nhắc thì anh ta sửng cồ lên, sẵn cái tạ tay vung lên cao xíu nữa táng vào đầu mình”.
Trao đổi vấn đề này với chị Chế Dạ Thảo, chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chị Thảo cho biết những người có những hành vi lệch chuẩn một là do họ không ý thức được việc làm đó là sai, hai là do họ cố tình thực hiện.
Chị Thảo rất hoan nghênh những bạn dám đứng lên nhắc nhở những người thiếu ý thức. Tuy nhiên, chị Thảo khuyên nên có cách xử lý khéo léo để tránh những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra.
“Nên khéo léo nhắc nhở bằng thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng, tránh gay gắt khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn tới mâu thuẫn, ẩu đả”, chị Thảo nói.
Bình luận (0)