Ấy là lúc ông "sai" bà nhuộm tóc cho ông, gọi là có chút "đảo ngói" cho tươi cái thần người, sau một năm lầm lụi "bán mặt cho đất (cao lanh)".
Bà Phùng Thị Thịnh trong không gian gốm do bà cùng Nghệ nhân nhân dân Vũ Đức Thắng gây dựng |
NVCC |
Bức ảnh được chụp từ xa, không rõ mặt người, nhưng vẫn toát lên bao chi chút yêu thương trong cách bà giáo Phùng Thị Thịnh tỉ mẩn chăm sóc người bạn đời của mình. "Đó là hình ảnh thường khiến tôi cảm thấy ấm lòng nhất mỗi khi trở về nhà lúc năm hết tết đến...", tác giả bức ảnh, nhà báo Vũ Khánh Tùng, con trai duy nhất của nghệ nhân, hiện thay cha đảm trách vị trí Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt, nói.
Tùng không ngờ rằng đó gần như là bức ảnh cuối cùng anh chụp bố, 2 năm trước khi ông đột ngột qua đời vào một buổi chiều đông năm 2016. Một lát cắt tàn nhẫn của số phận. Bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên ở làng nghề Bát Tràng mà người nghệ nhân tâm huyết theo đuổi sau gần 50 năm lăn lộn với nghề lúc đó đã dợm thành hình, đã bắt đầu khởi xây ngay sau khi được cấp phép vào đầu năm 2016... Vậy mà một sự cố thang máy đã cướp đi của làng gốm Bát Tràng đôi bàn tay vàng từng làm nên bao tác phẩm để đời, và giờ đây là hồn cốt của Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt.
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng và chiếc giày gốm của ông sáng tác |
NVCC |
Vợ ông Thắng không thể nào thua cuộc
Người chứng kiến tai nạn thảm khốc đó không ai khác chính là vợ ông, người từ đó không bao giờ có thể nhuộm tóc cho chồng vào mỗi chiều 30 Tết. Người không chỉ ngơ ngác trước nỗi đau mất chồng đột ngột bởi một tai bay vạ gió ngay trong chính ngôi nhà đồng thời là bảo tàng và xưởng gốm; mà còn ngơ ngác trước cả gia tài đồ sộ mà ông để lại: một bảo tàng dang dở, những bộ sưu tập ngổn ngang với hàng trăm hiện vật lớn bé...
"Tôi từng lo mẹ sẽ khó mà đi qua được ám ảnh đó", con trai bà nói. Nhưng hóa ra chính các con bà đã không hiểu hết mẹ mình. Sau những ngày gần như ốm liệt giường vì cú sốc quá lớn, bà Thịnh đã gượng dậy, nén đau nép dọn mặt bằng dang dở kia để kịp lo việc đám cho chồng. Và hơn hết, bà tính chuyện đường dài làm sao đưa xưởng gốm và bảo tàng gia đình đi tiếp lộ trình ông đã định, trong tình cảnh thiếu vắng người trụ cột, các con (lúc đó) đều không định theo nghề, một số thợ cả lâu năm của xưởng bắt đầu dao động muốn rời đi, lượng khách ghé thăm và các đơn đặt hàng giảm sút mạnh...
Lồng chim bằng gốm, một tác phẩm tại Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt. |
NVCC |
Nhiều người khuyên bà: "Làm gốm vất vả thế, giờ còn một mình, gánh vác sao nổi!". Bản thân bà cũng có lúc thoái chí trước núi việc phải lo, những "đề bài" giờ đây là thách thức quá lớn với một người gần như làm nghề "tay ngang". Bà vốn sinh ra ở làng nghề Bát Tràng, cũng trong một gia đình hành nghề gốm sứ, nhưng lại thoát ly theo nghề giáo viên và sau này mới nghỉ dạy để phụ giúp chồng theo đuổi sự nghiệp... Nhưng rồi nghĩ đến tâm nguyện cả đời phút chốc dang dở của ông, bà lại không đành buông tay. Lại nhẫn nại và quyết tâm cao độ, như thể vợ người đàn ông tên Thắng dường như không thể... "bại", không thể nào thua cuộc.
Làm vợ một người đàn ông tài hoa, đồng thời là một "tay chơi" đồ cổ, cây cảnh "có số có má", lại giao du rộng khắp trong Nam ngoài Bắc, đôi khi đòi hỏi cả chút "thần kinh thép" ở một người phụ nữ vốn một đời quẩn quanh sau lũy tre làng.
"Có những lúc trong nhà hết nhẵn tiền, thường là do cần cơ cấu lại sản xuất, thế mà ông ấy hứng lên đi vay bạn bè những 3.000 USD (khá to ở thời điểm đó) để mua một cây lộc vừng thế... Nhưng liều nhất có lẽ là cái lần vác cả sổ đỏ đi cắm ngân hàng để ứng tiền xây lại ngôi đình làng 300 năm tuổi của làng gốm Bát Tràng vốn trước đó bị chiến tranh hủy hoại...", bà Thịnh nhớ lại.
Chi phí xây dựng hồi đó (năm 2006) hết hơn 2 tỉ, chủ yếu bằng nguồn đóng góp của dân làng. Nhưng với tư cách là người phát tâm phục dựng lại đình làng cổ và là Trưởng ban xây dựng đình làng Bát Tràng, ông Thắng đã thuyết phục vợ đồng ý cắm sổ đỏ để đi vay ngân hàng 500 triệu, làm nguồn vốn ban đầu để xây dựng đình làng...
“Bố đã rất biết ơn mẹ vì mẹ chưa bao giờ là không ủng hộ mọi quyết định liên quan đến tâm nguyện và đam mê cả đời của bố, cả khi nó đúng nghĩa là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Hay kể cả việc biến xưởng gốm thành... "trại cai nghiện", khi bố nhận lời giúp một người bạn có con nghiện hút đến học việc tại xưởng...". Có lẽ chính vì sự đồng thuận đó mà mẹ đã học được chữ "liều" từ bố, mỗi khi cần hô quyết tâm”, anh Tùng nói.
Hình trích từ phóng sự tài liệu Chắt chiu từ hạt phù sa sông Mẹ (2010) của Truyền hình Hà Nội về vợ chồng bà Thịnh |
NVCC |
5 năm sau ngày ông Thắng mất, bà Thịnh vẫn giữ thói quen dậy sớm đạp xe thể dục như ngày còn ông để duy trì sức khỏe, còn xắn tay lo việc. Vốn quen quán xuyến đảm đương các khâu sản xuất (xưởng gốm gia đình bà có lúc nuôi đến 20-30 thợ trong nhà), nay bà Thịnh lại phải làm việc với mọi nhóm thợ: thợ vẽ, thợ khắc, thợ làm men, thợ vào lò... cả về khâu ý tưởng, mẫu mã... vốn trước đây là "nhiệm vụ" của chồng.
Bà cũng sẵn sàng thử nghiệm, đáp ứng các "đơn đặt hàng" lạ do con "tha" về như: hợp tác với diễn viên/nhà thiết kế Trần Nữ Yên Khê trong thử nghiệm thiết kế các sản phẩm decor cao cấp; tạo hình tháp tulip - một dáng bình cổ cho bối cảnh phim Gái già lắm chiêu... “Như đã từng ủng hộ bố, nay mẹ cũng hết lòng ủng hộ con, kể cả khi những ý tưởng đó không mang lại lợi nhuận đáng kể...", nhà báo Vũ Khánh Tùng nói.
Ướm chân trên những đôi giày gốm
"Cỡ đại, có chiều cao tầm 1,2 - 1,3 m, thì khó, gần như là chịu, không làm nổi, vì nó đòi hỏi rất cao trình độ tạo tác, và khả năng kiểm soát nó ở mọi công đoạn... Nhưng như năm vừa rồi, tôi và anh em thợ cũng đã làm ra được một đôi thống cỡ trung, giờ đang chờ vào lò...", bà Thịnh nói.
"Trước đó, không ai nghĩ mẹ có thể làm được. Nhưng từng chút một, mẹ cứ cố phá dần kỷ lục của mình. Nay cỡ nhỏ, mai cỡ trung, và chưa chừng có ngày, sẽ là cỡ đại... Bố có những kỷ lục của bố, nhưng mẹ cũng có kỷ lục riêng của mẹ, dù không cần ai ghi nhận. Thay vì được trấn an, mẹ lại chính là người thường xuyên tỉ tê động viên các con, đáng ra tầm này mẹ đã có thể nghỉ ngơi nhưng việc của bố chưa xong, thôi thì mẹ con mình cùng làm. Khả năng điều kiện mình chưa đi nhanh được thì mình đi từ từ, miễn sao mẹ con mình cùng coi đây là niềm vui... Trước mỗi quyết tâm, mẹ luôn nói mình mà làm được thế, chắc dưới kia bố vui lắm...", con trai bà kể.
Website battrang.museum - nền tảng số thông tin về nghệ thuật gốm đương đại tại Việt Nam và làng gốm cổ truyền Bát Tràng nói riêng |
NVCC |
"Làm được thế" nghĩa là nỗ lực giữ được những nét đặc thù riêng có của những sản phẩm gốm sứ mang đậm dấu ấn của cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Đức Thắng. Là nỗ lực duy trì sức hút cả khi nhân vật chính đã không còn: lượng khách, đơn đặt hàng... Là quyết tâm xây dựng Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt, bao gồm cả phiên bản số hóa.
Hơn 5 năm sau ngày ông mất, mọi thứ đang dần thành hình rõ nét, khi giờ đây các con cũng đã ghé vai cùng mẹ thực hiện bằng được di nguyện của bố. Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt - Bảo tàng gốm sứ ngoài công lập đầu tiên tại làng nghề nổi tiếng Bát Tràng, sắp sửa được xây dựng trên khuôn viên rộng 1000 m2, với bản vẽ của KTS nổi tiếng Trần Quốc Khôi Nguyên.
Song song, là website battrang.museum - nền tảng số thông tin về nghệ thuật gốm đương đại tại Việt Nam và làng gốm cổ truyền Bát Tràng nói riêng. Nhân dịp ra mắt website này, một triển lãm quy mô có tên "Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý" dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 tới tại Trung văn hóa và thương hiệu Ý tại Hà Nội (Casa Italia), dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Ý. Triển lãm sẽ trưng bày 12 chiếc giày gốm độc đáo từng được Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng kỳ công thực hiện cùng nhiều tác phẩm đặc sắc khác của ông.
Bà Thịnh chưa bao giờ đến Ý, cũng chưa từng thử xỏ chân vào đôi giày gốm ông làm xem có vừa không. Chuyến du hành xa nhất mà cũng gần nhất của người phụ nữ một đời lớn lên sau lũy tre làng hẳn là vùng ký ức miên man về ông. Đôi giày bà ướm vừa nhất hẳn là chính tâm huyết đẹp của người bạn đời tài hoa. Trong một cú lỡ tay của số phận, họ đã không may mắn được già đi cùng nhau. Nhưng đáng kể, là họ đã được trẻ cùng nhau, trong nét dáng thanh xuân vĩnh cửu giữa hai con người cùng đam mê, chí hướng.
Bình luận (0)