Trước đó, trong một thời gian dài các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam (đặc biệt là Google, Facebook, YouTube) gần như không phải nộp thuế, dù doanh số được xác định lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Câu chuyện lách, né thuế của các “đại gia” công nghệ gây bức xúc dư luận, đặc biệt đối với những người nộp thuế đầy đủ, minh bạch.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 13.6.2019, Quốc hội khoá 14 đã thông qua luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2020. Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức công bố dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong đó, có 11 điều liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo Bộ Tài chính, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ được đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử hoặc đăng ký thuế trực tiếp để từ đó có trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế ở Việt Nam có quyền phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế; truy thu thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài nếu chứng minh được nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế không đúng thực tế; phối hợp với các cơ quan khác của nhà nước để thực hiện và các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
|
Nộp thay như thế nào?
Đáng chú ý, để phòng trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài trốn thuế, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan. Cụ thể, các tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài đã kê khai nộp thuế tại Việt Nam đối với các khoản doanh thu, thu nhập phát sinh khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức tại Việt Nam thì nhà cung cấp nước ngoài phải thông báo cho tổ chức tại Việt Nam có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài để tổ chức có mua hàng hóa, dịch vụ không thực hiện khấu trừ nộp thay số thuế phải nộp cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Đối với các cá nhân, nếu ai mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.
Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế.
Hàng tháng, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Bình luận (0)