Sáng 30.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Đối tượng tham gia góp ý là các nhân sĩ, luật gia, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Góp ý tại hội nghị, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều điểm mới, đòi hỏi các văn kiện đại hội phải đưa ra được tư duy, quan điểm, giải pháp mới, đáp ứng được tình hình.
Song, TS Lược cho hay nội dung dự thảo văn kiện về nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể các quan điểm đã có thì có điểm mới, nhưng tư duy, quan điểm thì không mới, ví dụ như vẫn giữ quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo... Ông Lược đề nghị đánh giá kỹ quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, vì hiện Việt Nam đã hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tư do. “Nếu vẫn giữ quan điểm này thì khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi”, ông Lược góp ý.
Đồng thời, ông Lược đánh giá đổi mới về kinh tế trong thời gian qua chúng ta làm rất tốt, rất mạnh, có nhiều kết quả, song “đổi mới chính trị hơi chậm”. “Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế”, ông Lược nói. Theo ông Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, là kiểm soát quyền lực. “Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin - cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng mà không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược phân tích và cho rằng Đảng lãnh đạo nhưng phải đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với thời đại.
Trong khi đó, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đề nghị định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới đến năm 2030 cần phải tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng, là bệ đỡ, dẫn lối cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời xác định tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước. Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, thì nhìn nhận khoa học xã hội chưa được quan tâm thích đáng, xứng tầm, đúng vai trò.
“Nếu khoa học xã hội tiếp tục ít được quan tâm, ít được lắng nghe thì việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ như đã đề ra nhiều năm nay sẽ là nhiệm vụ bất khả thi”, bà Hồng bày tỏ.
Bình luận (0)