Đi “bào” đêm
Cánh tài xế GrabBike chuyên “bào” đêm (chạy buổi tối) thường ra khỏi nhà từ 7 - 8 giờ tối đến sáng hôm sau. Họ chọn “bào” đêm vì nhiều lý do: trời mát, đường sá rộng rãi, đỡ kẹt xe. Đêm khách thường đi chơi nên cũng rộng rãi, “bo” nhiều hơn. Chưa kể, từ tháng 6.2017, dân chạy đêm từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng được phụ thu thêm 10.000 đồng/cuốc.
tin liên quan
Grabbike - Những cuốc xe đời: Phóng viên Thanh Niên vào nghề GrabBikeChỉ cần trên 18 tuổi, có xe máy và điện thoại thông minh là có thể trở thành tài xế GrabBike với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng chưa kể chương trình thưởng tuần, thưởng tháng.
Đi “bào” đêm muốn có khách phải nắm được một số điều cơ bản. Thí dụ, hai đêm đông khách nhất là thứ sáu và thứ bảy vì không phải đi làm nên khách thường “xả láng, sáng về sớm”, 2 - 3 giờ sáng khách vẫn đông, nhất là khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão. Riêng chủ nhật chạy đến 11 - 12 giờ khuya là ngớt khách, do mọi người không dám chơi quá khuya vì thứ hai phải đi làm.
Dân “bào” đêm Sài Gòn thường tập trung ở mấy quán cà phê lề đường như 832 Trần Hưng Đạo hoặc góc Nguyễn Thái Bình và Phó Đức Chính vì gần các quán bar, tiệm mát xa.
1 giờ sáng, tôi ghé qua ngã tư An Dương Vương và Lê Hồng Phong, cũng là nơi tụ tập của dân “bào” đêm vì sát nhà xe Phương Trang, Thành Bưởi. Lúc này có khoảng 10 anh em Grab, một số nằm ngủ vạ vật trên xe, số khác ngồi nói chuyện.
Hào, một dân cựu chuyên cày đêm, mắt thâm quầng, áo quần nhăn nhúm, vừa nằm trên xe vừa kể: “Tui ra khỏi nhà từ trưa thứ bảy tới giờ (hơn 36 tiếng). Ráng chạy cho tới sáng rồi về ngủ luôn”.
“Đậu chi cho xa, sao không tới trước nhà xe chờ cho tiện?”, tôi hỏi. Một tài ngồi đó nhìn tôi cười lớn: “Mới chạy phải không? Hỏi vậy là biết rồi. Trước nhà xe Phương Trang, Thành Bưởi là lãnh địa của xe ôm truyền thống. Tài Grab, Uber nào bén mảng gần đó là sẽ bị gây chuyện ăn đập ngay”.
Mới nói xong thì một bác tài Uber trờ tới chỗ anh em Grab đang đậu, mặt tức tối: “Tui đứng đậu ngay ngã tư rồi, có đụng gì tới bọn nó (xe ôm truyền thống) đâu mà cũng bị dọa đánh”.
tin liên quan
Trưởng công an xã xin nghỉ việc vì lương thấp khiến vợ đòi ly dịMột Trưởng công an xã ở Hà Tĩnh vừa viết đơn xin nghỉ việc để vào Nam làm thuê, do công việc nhiều áp lực nhưng thu nhập quá thấp, dẫn tới gia đình lục đục, vợ đòi ly dị.
|
Từ 3 - 4 giờ sáng, cánh tài xế GrabBike lần lượt đổ về Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây đông như trẩy hội. Muốn đi cuốc ngắn ra Bến xe Miền Tây, cuốc dài ra Bến xe Miền Đông. Tại sao? Đơn giản là vì Bến xe Miền Tây có xe trung chuyển vào trung tâm TP (khu Lê Hồng Phong) nên khách đi GrabBike thường là nhà gần bến xe như Q.Bình Tân, Q.6. Còn Bến xe Miền Đông không có xe trung chuyển, nên xác suất trúng cuốc dài cao hơn nhiều.
Dọc hẻm 153 nối QL13 và đường Đinh Bộ Lĩnh, cánh tài xế GrabBike dựng xe nằm la liệt. “Giờ này khách rất đông vì dân tỉnh thường đến TP khám bệnh vào sáng thứ hai, cộng với dân TP đi chơi xa phải về lại để kịp đi làm. Chưa kể, do nhu cầu tăng cao nên tài xế thường được nhân giá tiền lên. Nhưng chỉ cao điểm tới 5 giờ sáng vì sau đó đã có xe buýt nên sẽ mất một lượng khách đáng kể”, Châu Vy, nữ tài xế ở Xóm Củi (Q.8), bật mí.
tin liên quan
GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 2: Đồng tiền đắngChạy GrabBike là để kiếm tiền, nhưng cầm được tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Có ngày gặp “ma”
Đi “bào” đêm xác suất gặp bất trắc khá cao. Phạm Thanh Kha, 21 tuổi, mới đi bộ đội về, đang là sinh viên năm 1. Bắt đầu chạy GrabBike từ cuối tháng 4, ban ngày Kha đi học, 6 giờ chiều chạy đến 2 - 3 giờ sáng. Bây giờ nghỉ hè, anh tranh thủ cày đến 9 - 10 giờ sáng hôm sau.
Có lần đang đậu ở Big C (Dĩ An, Bình Dương), bất chợt một thanh niên khoảng 17 tuổi người dính đầy máu phóng lên xe rồi nhờ Kha chở đi gấp chứ không sẽ chết. Lúc đó thấy tội, lo cứu người nên anh chở. Trên đường đi hỏi chuyện mới biết thằng đó vào thăm bạn trong bệnh viện bị nhóm khác kiếm chuyện nên lấy cây hàng (mã tấu) chém luôn.
“Nghe kể em xanh máu mặt, rồi có khuyên nó quăng cây hàng. Tới nơi em không lấy tiền nhưng nó nằng nặc kêu người nhà đưa em 200.000 đồng để cảm ơn rồi còn… rủ nhậu nữa”, Kha kể.
Mới đây, gần 2 giờ sáng 21.7, sau khi chở khách về thấy trời mưa, và cũng hơi mệt nên Kha ghé vào hiên nhà gần ngã tư Quang Trung, Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) nằm trên xe chợp mắt một chút. Khi tỉnh dậy thì phát hiện bị rạch túi lấy hết tiền, điện thoại iPhone, thẻ ATM…
Vậy còn may, hồi đầu tháng 5, tài xế GrabBike Lê Thanh D., 34 tuổi, chạy ở khu vực Q.12, nhận được cuốc xe lúc rạng sáng. Đến đường Lũy Bán Bích, lợi dụng đoạn đường vắng, tên cướp đã dùng dao đâm vào hông khiến anh hoảng sợ bỏ chạy và tri hô. May mắn có người dân đến hỗ trợ và bắt được tên cướp. Cũng cùng khoảng thời gian đó, người dân tại khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) phát hiện ông Trần Văn L., 64 tuổi, gục bên đường với vết thương ở bụng. Theo lời ông L., tên cướp đã dùng dao đâm ông gục tại chỗ, cướp chiếc xe Air Blade rồi tẩu thoát.
Tôi ngồi chờ khách và tán chuyện với anh em khu vực Bến xe Miền Đông đến gần 5 giờ sáng thì quyết định về nhà ngủ. Đồng nghiệp tôi - những chiếc áo xanh GrabBike mặt phờ phạc, ngáp ngắn ngáp dài vẫn cương quyết bám trụ dọc hai bên đường xung quanh bến xe, chốc chốc lại nhìn vào cái điện thoại chờ tiếng “nổ” (báo có khách) quen thuộc vang lên. Những cặp mắt thờ thẫn chốc chốc lại sáng lên tia hy vọng khi có chuyến xe mới về bến. Một anh thanh niên lôi trong túi ra nắm tiền lẻ nhàu nhĩ, vuốt lại thẳng thớm rồi chép miệng: “Hôm nay ế quá!”... (còn tiếp)
tin liên quan
GrabBike lên tiếng vụ xô xát mà công an buộc phải nổ súng ở bến xeCông ty Grab Việt Nam cho biết không bao giờ ủng hộ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, trong hoạt động đón khách.
Xung đột với xe ôm truyền thống
Để tránh xung đột với xe ôm truyền thống (XOTT), cánh tài xế GrabBike thường ít bắt khách ở khu bệnh viện, bến xe, đặc biệt là ga Sài Gòn, sân bay, bến xe Miền Đông, Miền Tây và An Sương.
Tài xế GrabBike còn có thể bị XOTT gài bẫy bằng cách cho người giả làm khách bắt Grab trực tiếp không thông qua ứng dụng. Nếu tài xế Grab đó “tưởng bở” đồng ý chở thì lập tức cánh XOTT sẽ xông tới đánh vì dám bắt khách ngoài. Lúc đó hết cãi.
Ngày 30.6, vừa thả khách ở Bến xe Miền Đông thì có tin nhắn nên tôi bấm điện thoại trả lời. Chỉ chừng chục giây, tôi đã bị vỗ cái bốp vào đầu: “Đm, đi chỗ khác rước khách”. “Em bắt khách điện thoại, đâu bắt khách ngoài đâu”, tôi phân trần. “Đ... trong ngoài gì hết. Biến!”, người đàn ông trừng mắt quát. Tôi không muốn gây chuyện nên chuồn lẹ.
Vừa rồi, tôi đi xe ôm từ bến xe về, đem mấy chuyện xung đột giữa Grab, Uber và XOTT ra hỏi. Ông xe ôm nói: “Tụi tui ở các bến bãi đều phải nộp tiền bảo kê, xếp tài chạy. Ai cũng nuôi vợ con, có người phải vay nóng, chạy ăn từng bữa. Mấy anh Grab, Uber tới, họ thấy thì đâu thèm đi xe ôm nữa. Tụi tui sống sao đây? Chưa kể, già như tui, ba cái ứng dụng công nghệ Grab, Uber gì đó nhìn là nhức đầu rồi, làm sao chạy”, nói rồi ông chặc lưỡi: “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi…”.
Những ngày chạy GrabBike, tôi rất khó chịu khi nghe chuyện XOTT đuổi, đánh tài xế công nghệ. Nhưng lời tâm sự của ông xe ôm già hôm đó làm tôi suy nghĩ mãi. Ừ, cũng cùng phận nghèo cả thôi mà...
|
Bình luận (0)