GS Ngô Bảo Châu tham dự Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
22/08/2023 15:44 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu tham gia bàn tròn khoa học nhân dịp 10 năm Trường hè Khoa học Việt Nam diễn ra tại ICISE (Bình Định) cùng với GS Trần Thanh Vân, PGS Nguyễn Hoàng Hải và các tiến sĩ Giáp Văn Dương, Ngô Đức Thế.

Ngày 22.8, tại Trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP.Quy Nhơn, Bình Định, Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 năm 2023 với chủ đề "Nhìn lại và đi tới: Embracing the Past - Shaping the Future" đã chính thức khai mạc. Đây là một sự kiện nằm trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 19 năm 2023.

Dự lễ khai mạc có GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; GS Ngô Bảo Châu (người đoạt huy chương Fields năm 2010), Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán; PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội…

GS Ngô Bảo Châu tham dự Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 - Ảnh 1.

GS Ngô Bảo Châu dự lễ khai mạc Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 năm 2023

THANH SƠN

Trường hè này diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 22 đến ngày 25.8) với sự tham dự của 20 giảng viên và 150 học viên xuất sắc nhất được tuyển chọn từ hơn 900 hồ sơ ứng tuyển đến từ nhiều lĩnh vực khoa học.

Các bài giảng của Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 chia thành hai nhóm: bài giảng truyền thống và bài giảng mới.

Các bài giảng truyền thống gồm: Đường vào khoa học (TS Giáp Văn Dương), Phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên (TS Đặng Văn Sơn), Phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội (TS Nguyễn Tô Lan), Nghiên cứu, công bố và liêm chính học thuật (TS Nguyễn Bảo Huy), Nghề khoa học (TS Ngô Đức Thế), Câu chuyện nhân quả (TS Vũ Thị Phương Mai - TS Nguyễn Ngọc Anh), Học bổng và du học (TS Lưu Quang Trung – nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Nghi).

GS Ngô Bảo Châu tham dự Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 - Ảnh 2.

Các học viên tham gia Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10

HOÀNG TRỌNG

Các bài giảng mới gồm: Khoa học hội tụ, một xu hướng mới của nghiên cứu hiện đại (PGS Nguyễn Hoàng Hải); Khoa học dữ liệu và vài suy nghĩ về phát triển KH-CN Việt Nam (GS Hồ Tú Bảo); Tương lai của khoa học (PGS Nguyễn Ái Việt), Trí tuệ nhân tạo và tương lai nghề nghiệp (PGS Nguyễn Xuân Hoài); Toán thống kê trong khoa học (TS Trần Thị Tuấn Anh); Quy hoạch đô thị và hoạch định tương lai cá nhân (TS Phạm Thái Sơn); Di sản số và nhân văn số (PGS Trần Trọng Dương); Những góc nhìn đa ngành trong công nghệ sinh học, nông nghiệp (TS Tô Thị Mai Hương); Sức khỏe tâm thần trong thế giới thay đổi nhanh chóng (ThS Nguyễn Thanh Tâm); Luật sở hữu trí tuệ (TS Trần Kiên).

GS Ngô Bảo Châu tham dự Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 - Ảnh 3.

GS Trần Thanh Vân phát biểu tại lễ khai mạc

HOÀNG TRỌNG

Đặc biệt, trong chương trình còn có bàn tròn khoa học nhân dịp 10 năm Trường hè Khoa học Việt Nam với sự tham gia của GS Trần Thanh Vân, GS Ngô Bảo Châu, PGS Nguyễn Hoàng Hải và các tiến sĩ: Giáp Văn Dương, Ngô Đức Thế (Ban tổ chức Trường hè Khoa học Việt Nam).

10 năm Trường hè Khoa học Việt Nam

Trường hè Khoa học Việt Nam khởi sự vào năm 2013, từ ý tưởng đầu tiên của ba người: TS Giáp Văn Dương, TS Lưu Quang Hưng và TS Ngô Đức Thế. Ban đầu, đây chỉ là một sáng kiến của nhóm các nhà khoa học trẻ, với hơn 80 học viên tham gia khóa 1 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sau 10 năm hoạt động, rất nhiều cựu học viên của Trường hè Khoa học Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Hiện có gần 300 cựu học viên của trường hè đã tốt nghiệp tiến sĩ và hơn 600 người đã tốt nghiệp thạc sĩ trong và ngoài nước.

Theo GS Trần Thanh Vân, mục tiêu lớn nhất của Trường hè Khoa học Việt Nam là truyền cảm hứng giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về khoa học và nghề khoa học, gồm cả vẻ đẹp và những khó khăn, thách thức, để từ đó có những quyết định đúng đắn trên con đường sự nghiệp. Hơn thế, trường hè còn giúp đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất về phương pháp nghiên cứu, cách xin học bổng và các kỹ năng cần thiết khác. Chương trình còn giúp kết nối các bạn trẻ yêu và mong muốn làm khoa học trong và ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.