Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa thông báo mở một khóa học miễn phí về triết học, GS Ngô Bảo Châu cùng tham gia thuyết trình trong khóa học này.
Khóa học có chủ đề "Cơ sở triết học phân tích: Frege, Russell, Wittgenstein", do TS Trịnh Hữu Tuệ làm giảng viên. Khóa học gồm 12 buổi, vào các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư hàng tuần, từ ngày 5 đến ngày 28.8. Hình thức học là trực tiếp, tại giảng đường khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Lớp học được giới hạn 20 chỗ ngồi.
Đối tượng của khóa học là các giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, những người quan tâm, không loại trừ sinh viên thuộc các trình độ khác.
Nội dung của khóa học là đọc, phân tích, thảo luận một số ấn phẩm, công trình khoa học của những nhà triết học đặt nền móng, triển khai và ứng dụng trường phái triết học phân tích, một trong những trường phái thống lĩnh của triết học hàn lâm đương đại, đặc biệt tại các quốc gia nói tiếng Anh: Gottlob Frege, Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein.
Ban tổ chức thông báo: "thảo luận trên lớp, về nguyên tắc, không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào. Các tài liệu cần đọc sẽ được tải lên trang moodle của lớp. Học viên được dự kiến là sẽ cố gắng đọc các tài liệu này trong khả năng và điều kiện cho phép. Các khái niệm cũng như các tiền giả định cần thiết để hiểu các nội dung chủ chốt sẽ được giải thích trên lớp".
Khoá học sẽ có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu với tư cách khách mời thuyết trình trong phần cuối của phân khúc về Frege, khi tiêu điểm thảo luận là mối liên kết giữa các kết quả của Frege và các tiên đề về số tự nhiên của Giuseppe Peano, cũng như vị trí của các tiên đề này, đặc biệt là tiên đề về quy nạp, trong số học.
TS Trịnh Hữu Tuệ nhận bằng tiến sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts và bằng tiến sĩ khoa học (Habilitation) từ ĐH Humboldt. Trọng tâm nghiên cứu của ông là cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, và triết học thời kỳ đầu của Wittgenstein. Các tạp chí ông đã từng đăng bài bao gồm Synthese, Linguistics & Philosophy, Natural Language Semantics, và Journal of Pragmatics.
Bình luận (0)