Quán tri thức số 8 | GS Trần Văn Thọ: từ Nhật Bản, nghĩ về giáo dục Việt Nam
Cuộc sống của GS sau 3 năm nghỉ hưu ở ĐH Waseda vừa qua như thế nào, thưa ông?
Thật ra bây giờ tôi không phải dạy học nữa nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết lách và đi thuyết trình, tham gia hội thảo. Nói chung vẫn làm việc tuy áp lực công việc có giảm.
Nếu mà ai quan tâm tới giáo dục thì không thể nào không biết đến bài viết Một trăm bao gạo vì sự nghiệp giáo dục của GS đã đăng trên Báo Thanh Niên vào năm 2007. Gần 20 năm đã trôi qua, không biết có câu chuyện nào đó về giáo dục khác khiến cho ông phải nghĩ suy về giáo dục của Việt Nam không, thưa ông?
Bài Một trăm bao gạo vì sự nghiệp giáo dục nói về gương của lãnh đạo Nhật Bản cuối thời Edo, trước thời Minh Trị. Vào đầu năm 1868, phiên Nagaoka (hiện nay là thành phố Nagaoka thuộc tỉnh Niigata) gặp khó khăn, nhất là thiếu lương thực. Một phiên lân cận thương tình mới đem tặng 100 bao gạo (mỗi bao tương đương 60 ký). Vũ sĩ của phiên Nagaoka rất vui mừng, phấn khởi vì sẽ được ăn no, được ăn cơm không độn với ngô khoai.
Tuy nhiên, Kobayashi Torasaburo, Đại tham sự (chức vụ tương đương với phó thị trưởng hoặc phó tỉnh trưởng ngày nay), quyết định không chia gạo cho vũ sĩ mà đem bán lấy tiền lo tu sửa trường ốc, xây thêm trường học mới. Thấy nhiều vũ sĩ tỏ vẻ bất bình, thất vọng, ông đã thuyết phục, giải thích như sau: "Một trăm bao gạo chia nhau ăn sẽ hết ngay, chi bằng ta dùng vào việc chấn hưng giáo dục, trong tương lai ta sẽ có cả vạn, cả triệu bao gạo".
Nhờ chính sách sáng suốt thắt lưng buộc bụng vì giáo dục này (những người chịu thiệt thòi trước mắt là đám vũ sĩ nhưng dân chúng được hưởng dịch vụ giáo dục), số trẻ em trong phiên Nagaoka được đi học nhiều hẳn lên, nhiều người sau đó thành tài đóng góp đắc lực vào việc dựng nước thời Minh Trị. Trong số những người được giáo dục từ 100 bao gạo có Watanabe Renkichi, sau đó học lên bậc cao hơn ở Tokyo và đi du học ở Đức, trở thành trợ lý đắc lực cho Thủ tướng đầu tiên của Nhật Ito Hirobumi trong việc soạn thảo ra hiến pháp đầu tiên (ban hành năm 1889) của nước này.
Thời điểm đó, tôi thấy ở Việt Nam vấn đề đầu tư cho giáo dục còn ít quá và có những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục nên tôi mới viết bài để dư luận và nhất là những người có trách nhiệm quan tâm.
Nhưng mà hiện nay đọc báo thì tôi thấy tình hình vẫn chưa tốt lắm. Thầy giáo, cô giáo lương vẫn không đủ sống. Đó là chuyện lớn. Nhất là từ chuyện này mới sinh ra những tiêu cực về dạy thêm, học thêm và phụ huynh thường bị yêu cầu đóng nhiều loại phí mà trường công ở các nước khác không có hiện tượng đó... Lương trả cho giáo viên phải xứng đáng để thầy cô giáo có thể yên tâm dạy học, mới không sinh ra tiêu cực.
Học sinh ở Nhật Bản cũng học hành căng thẳng, cũng phải đi thi thì không biết ở Nhật Bản việc dạy thêm, học thêm như thế nào để có thể đảm bảo việc học cũng như chất lượng dạy học, thưa ông?
Trước đây Nhật Bản cũng có vấn đề học thêm, thời lượng học của học sinh cũng hơi quá tải. Nhưng học thêm là tự nguyện. Ví dụ như lên THPT, muốn thi vào các trường top của Nhật thì phải học thêm để có những khả năng về toán, quốc ngữ, Anh ngữ cho giỏi hơn để dễ cạnh tranh. Nếu mà không có mục tiêu vào học trường top hoặc có mục tiêu đó nhưng học sinh thấy có thể tự học thì không phải đi học thêm.
Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là ở Nhật có trường, lớp dạy thêm riêng, có cơ sở, tổ chức chuyên môn cho việc dạy thêm, không liên quan đến các trường học chính quy, và thầy giáo dạy thêm không phải là thầy giáo dạy ở các trường chính quy. Do đó không có hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến quan hệ thiêng liêng giữa học trò và thầy giáo.
Ở Việt Nam, tôi có nghe hiện tượng thầy giáo dạy ở trong lớp một ít, dành lại một phần kiến thức quan trọng để dạy thêm. Điều đó rất tiêu cực, phải xóa ngay và muốn xóa thì thầy cô giáo phải đủ sống bằng lương. Không giải quyết chuyện đó thì là không giải quyết được vấn đề cơ bản của giáo dục.
Thưa ông, trong quyển sách vừa mới xuất bản gần đây "Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 – 1973", ông có nhắc đến nhân tố con người là một trong những nguyên nhân giúp cho kinh tế Nhật Bản có thể phát triển thần kỳ đến như vậy. Là một người nghiên cứu về kinh tế cũng như có những suy tư về giáo dục, theo ông, Việt Nam cần phải phát triển giáo dục như thế nào để có thể giúp cho nền kinh tế được cất cánh? Và giáo dục của Nhật Bản có những điều gì thú vị, những điều gì hay mà Việt Nam có thể học tập?
Ở Nhật, học sinh học tiểu học và THCS công lập được miễn học phí hoàn toàn và thầy cô giáo có cuộc sống rất đầy đủ. Thứ hai là tùy theo giai đoạn phát triển, phải cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu trong giai đoạn đó.
Trong giai đoạn đầu, nhu cầu lao động chỉ đòi hỏi người tốt nghiệp THPT, thậm chí THCS nhưng chất lượng của mỗi bậc học phải được đảm bảo. Có nhiều người mới học hết THPT rồi đi làm trong công xưởng của nhà máy rồi được đào tạo thêm, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết. Giai đoạn sau đó, nhu cầu chuyên viên, kỹ sư tăng hơn nên các ĐH phát triển hơn. Không phải như ở nước mình mới ở trình độ phát triển thấp mà nhiều lãnh đạo, quan chức đặt mục tiêu đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ. Tiến sĩ chỉ cần cho nghiên cứu và giáo dục ở ĐH và sau ĐH. Trong quản lý nhà nước, doanh nghiệp thì tiến sĩ không cần thiết.
Trước khi nghĩ đến vấn đề đào tạo tiến sĩ thì nên đào tạo cấp bậc ĐH cho tốt. Ở Nhật có hệ thống ĐH "đoản kỳ", sinh viên chỉ học 2 năm với 1 năm học văn hóa, 1 năm học chuyên môn. Dĩ nhiên sau 2 năm, có những sinh viên thích hợp có thể liên thông thi vào ĐH 4 năm. Nhưng đa số sinh viên học 2 năm sẽ đi làm ngay và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ở Việt Nam cũng có hệ cao đẳng, trung cấp nhưng còn phải cải thiện hơn. Trung cấp tương đương với "đoản kỳ" của Nhật nhưng chữ "trung cấp" nghe như đi học nghề, nhiều người không thích học. Còn cao đẳng 3 năm thì cũng lỡ dở vì chỉ thêm một năm nữa là có thể học ĐH 4 năm. Theo tôi nên tái cơ cấu trung cấp và cao đẳng và lập hệ ĐH đoản kỳ 2 năm.
Thứ ba là khi có chiến lược phát triển, những bộ, ngành liên quan phải có những chính sách triển khai đồng nhất theo mục tiêu chung đó. Ví dụ như Nhật Bản vào năm 1955, năm bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ, Bộ Văn hóa Giáo dục lo Nhật sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực là kỹ sư và chuyên viên nghiên cứu khoa học tự nhiên. Họ ước tính vào năm 1962 nhu cầu nguồn nhân lực này sẽ lên tới 27.500 nhưng vào thời điểm 1957 chỉ có độ 19.500 người. Thế là Bộ này đã đưa ra kế hoạch tăng thêm 8.000 kỹ sư trong vòng 5 năm và đã khẩn trương thực hiện kế hoạch này nên chỉ 3 năm là đạt mục tiêu.
Còn ở mình thì không phải vậy. Mình đưa ra chiến lược công nghiệp hóa nhưng mà có bộ trưởng lại tuyên bố "bây giờ chúng ta thiếu 25.000 tiến sĩ", trong khi tiến sĩ thì không cần cho việc công nghiệp hóa. Kỹ sư và chuyên viên mới cần. Tôi ví dụ như vậy!
Hiện nay, đa số các trường ĐH tư thục của Việt Nam đều thuộc sở hữu của doanh nghiệp và do doanh nghiệp điều hành. Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã khống chế việc mở các trường ĐH tư thục vì lợi nhuận mà chỉ cho phép thành lập mới trường ĐH không vì lợi nhuận. Với góc nhìn của ông từ ĐH Waseda, ông có thể chia sẻ gì về nền giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay không?
Muốn làm kinh doanh thì đừng tham gia vào giáo dục!
Ở bên Nhật, không riêng ĐH Waseda mà tất cả các ĐH tư thục đều không kinh doanh. Đó là ĐH phi lợi nhuận. Sinh viên đóng học phí 100 đồng thì hưởng thụ dịch vụ 150 đồng hay hơn. Người sáng lập trường không có lợi nhuận, xã hội và nhà nước đóng góp, hỗ trợ thêm nên mới được như thế.
Ở Việt Nam, chữ "phi lợi nhuận" vẫn khá mơ hồ. Nói là phi lợi nhuận nhưng những người đầu tư vào trường hình như vẫn có tỷ lệ lãi suất nhất định. Ở Nhật hoàn toàn không có chuyện chia lời. Nhà nước cũng bỏ vào một phần kinh phí của ĐH tư. Như ở ĐH Waseda, ngân sách từ sinh viên chỉ chiếm độ 50-60%, khoảng 20-25% do những người đã tốt nghiệp hoặc doanh nghiệp đóng góp hoặc thu nhập từ tài sản đã có từ trước, và độ 25% do nhà nước hỗ trợ chứ không phải để ĐH tư hoàn toàn "tự bơi".
Giáo dục phải có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. ĐH phải phát triển chậm rãi, phải đi từ từ từng bước chứ không phải là ra đời tràn lan rồi đào tạo không có chất lượng. Khuynh hướng bây giờ hình như ĐH ra đời ít hơn, không nhiều bằng giai đoạn trước, nhưng việc này không có gì đáng bi quan cả. ĐH ra đời ít nhưng mà chất lượng cao là được.
Còn vấn đề liên quan bộ máy lãnh đạo, quản lý, việc bầu hiệu trưởng, trưởng khoa phải hiện đại, công bình, công khai. Ở Việt Nam việc này thực hiện chưa tốt lắm. Ở Nhật, những người hay gia đình sáng lập ra ĐH chỉ quản lý trong thời gian đầu. Dần dần, để ĐH phát triển thì phải tìm những người giỏi làm hiệu trưởng chứ không phải người sáng lập làm hiệu trưởng suốt đời.
Bình luận (1)
Tôi từng nghe một vị lãnh đạo của một ĐH tư thục ở Việt Nam nói với giảng viên là: "Không có sinh viên thì thầy cô không có lương". Nghe mà đắng lòng!