Gu siêu du thuyền tốn kém của tỉ phú Jeff Bezos

Khánh An
Khánh An
13/12/2022 13:59 GMT+7

Siêu du thuyền của tỉ phú Jeff Bezos là du thuyền buồm lớn nhất thế giới và từng gây xôn xao từ khi còn đang đóng, với thông tin phải dỡ bỏ cây cầu lịch sử ở Hà Lan để xuất xưởng.

Siêu du thuyền Y721 tại cảng Rotterdam

oceanco

Sau 4 tháng hạ thủy, chiếc siêu du thuyền buồm Y721 đã sẵn sàng bàn giao cho chủ nhân là tỉ phú Jeff Bezos, giúp nhà sáng lập Amazon chiếc sở hữu du thuyền buồm lớn nhất thế giới.

Nhiều kỷ lục

Theo trang Luxury Launches, chiếc siêu du thuyền dài 127m gần đây đang trong tình trạng đã hoàn thiện ở cảng Rotterdam. Với chiều dài hơn một sân bóng đá, đây sẽ là siêu du thuyền buồn dài nhất thế giới, phá kỷ lục của siêu du thuyền buồm Sea Cloud dài 110 m.

Chiếc thuyền 3 cột buồm hiện chỉ được biết với số hiệu là Y721 hoặc Dự án 721, được đóng bởi hãng Oceanco tại Hà Lan. Đây là hãng chuyên đóng siêu du thuyền theo đơn đặt hàng, trong đó có nhiều khách hàng là những tỉ phú trên thế giới.

Siêu du thuyền Y721 được vận chuyển khi chưa gắn cột buồm

oceanco

Y721 còn là du thuyền dài nhất từng đóng tại Hà Lan, cũng là du thuyền lớn nhất do Oceanco từng hạ thủy. Cột buồm của du thuyền cao đến 70 m.

Trong khi Oceanco và tỉ phú Bezos chưa chính thức xác nhận, nhiều hãng truyền thông cho biết đây là “món đồ chơi” mới của ông Bezos, một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 112,3 tỉ USD.

Vì siêu du thuyền của tỉ phú Jeff Bezos, thành phố Hà Lan sẽ dỡ cầu sắt lịch sử?

Ngoài ra, còn có thông tin ông sẽ đặt tên siêu du thuyền buồm này là Koru, hình ảnh quen thuộc của người Maori ở New Zealand. Hình tròn và hình xoắn ốc của Koru giống chiếc lá non của cây dương xỉ, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ.

Thuyền đi kèm chở trực thăng

Theo Bloomberg, ước tính chi phí của chiếc siêu du thuyền Y721 là 500 triệu USD (11.815 tỉ đồng), nhưng chỉ là một khoản chi nhỏ của ông Bezos, người có khối tài sản có thời điểm tăng 13 tỉ USD chỉ trong một ngày vào năm 2020.

Siêu du thuyền Y721 khi đang được đóng, kèm thiết kế du thuyền đi kèm chở trực thăng (ảnh trên)

ảnh chụp màn hình superyachtfan

Mức giá trên chưa kể một du thuyền hỗ trợ, có kích thước nhỏ hơn mà ông Bezos định mua. Chiếc du thuyền này có một bãi đáp trực thăng và bạn gái của ông Bezos, người dẫn chương trình truyền hình Lauren Sanchez có bằng lái trực thăng.

Lý do chiếc Y721 cần du thuyền đi theo chở trực thăng là do nó không có bãi đáp trực thăng vì thiết kế 3 cột buồm.

Vì sao tỉ phú thích du thuyền?

Theo trang MarketWatch, siêu du thuyền vốn là thú chơi của nhiều tỉ phú trên thế giới, nhưng sở thích này trở nên phổ biến từ năm 2020. Nguyên nhân do đại dịch Covid-19 khiến nhiều tiệc tùng và những sự kiện của tầng lớp giàu có bị hủy, trong khi đi lại đường hàng không cũng bị hạn chế. Khi đó, du thuyền trở thành lựa chọn đầy thu hút đối với những người giàu có, nổi tiếng để gặp nhau, tổ chức những sự kiện riêng tư và tránh được giới săn ảnh. Ngoài ra, nhiều người trong giới siêu giàu nhận ra rằng họ không mất tiền trong đại dịch. Theo Bloomberg, tổng tài sản của những người giàu nhất thế giới tăng thêm 1.800 tỉ đồng trong năm 2020. Do đó, họ có nhiều tiền để mua những siêu du thuyền xa xỉ, thậm chí chi phí vận hành trung bình chiếm 10% giá trị du thuyền và có thể lên đến 60 triệu USD hằng năm.

Du thuyền hỗ trợ dự kiến còn chở theo các món khác như xe hơi, tàu cao tốc và thậm chí cả một tàu ngầm nhỏ.

Dự án 721 khá kín tiếng và giới chuyên môn cho rằng ông Bezos có lẽ đã đặt hàng từ nhiều năm trước, do các du thuyền đặt riêng thường mất khoảng 5 năm đóng. Trước đó Oceanco từng đóng siêu du thuyền buồm lớn thứ 2 thế giới là Black Pearl với chiều dài hơn 106 m.

Xôn xao tin dỡ cầu

Hồi tháng 2, siêu du thuyền buồm Y721 từng gây xôn xao khi có thông tin chính quyền tại Hà Lan phải tạm dỡ cây cầu Koningshaven, còn gọi là cầu De Hef, để du thuyền đi qua sau khi xuất xưởng, theo BBC.

Thông tin trên gây tranh cãi vì cây cầu thép này có lịch sử lâu đời và được xem là một công trình kỷ niệm quốc gia. Chiếc cầu này từng trải qua nhiều đợt cải tạo lớn vào năm 2014 và 2017.

Chính quyền thành phố Rotterdam cho biết họ cấp phép dự án đóng tàu vì tạo nhiều việc làm cho địa phương, đồng thời cam kết rằng chiếc cầu sẽ được ráp lại nguyên trạng.

Thông tin trên lập tức dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội và một số người dân tại Rotterdam thậm chí đến ném trứng thối vào chiếc siêu du thuyền.

Trang Luxury Launches đưa tin hãng đóng tàu Oceanco sau đó quyết định hủy đề xuất dỡ cầu và chọn lựa phương án đưa tàu qua khi chưa gắn các cột buồm. Thậm chí họ còn đưa tàu di chuyển trong đêm theo một tuyến dài và ít tàu thuyền hơn để tránh gây chú ý.

Những du thuyền “khủng”

Theo trang LuxuryProterty, siêu du thuyền đắt nhất thế giới là chiếc History Supreme với giá 4,8 tỉ USD của tỉ phú Malaysia gốc Hoa Quách Hạc Niên (Robert Kuok). Dù chỉ dài 30 m, du thuyền này có nhiều phần chứa tổng cộng 10.000 kg vàng và bạch kim. Thiết kế cũng độc đáo khi phòng ngủ chính có một bức tượng xương khủng long bạo chúa và một bức tường làm hoàn toàn từ thiên thạch. Doanh nhân Nga Roman Abramovic sở hữu siêu du thuyền đắt thứ 2 là Eclipse trị giá 1,5 tỉ USD. Siêu du thuyền dài 162 m có 2 bãi đáp trực thăng, 2 hồ bơi, chở theo một tàu ngầm nhỏ, 24 cabin khách, một sàn nhảy và bồn tắm nước nóng. Tàu còn có hệ thống phát hiện tên lửa, cảm biến di chuyển và cửa sổ chống đạn. Du thuyền Azzam được đóng cho cựu Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed al-Nahyan không phải đắt nhất, nhưng là du thuyền tư nhân lớn nhất với chiều dài lên đến 180 m và có thể phục vụ 36 khách và 80 thành viên thủy thủ đoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.