Đạo diễn Lê Hoàng vừa có bài viết rất hay “Về quê hay là chết?”. Rất nhiều ý kiến đồng tình vì bài viết “chuẩn không cần chỉnh”, vì cách viết sắc sảo, chặt chẽ mà dí dỏm.
Cảnh chờ đợi để có thể mua vé xe đò về quê ăn tết - Ảnh: Độc Lập
|
Tôi cũng vậy, tuy có phân vân và tủi thân bởi hơn 60 năm cuộc đời, xa quê 41 năm thì tôi chỉ được về quê ăn tết 5 lần, có nghĩa tương đương với “chết” mấy chục lần? Tôi được về quê năm đầu tiên xa nhà (1974) và gần đây, sau khi rời nhiệm vụ giám đốc công ty. Làm công tác Đoàn, tết thường phải tổ chức hội chợ, cây mùa xuân. Đồng nghiệp nhà gần , có thể tranh thủ; mình nhà xa, không thể nghỉ tết năm bảy ngày. 4 năm làm nghĩa vụ quốc tế, càng không thể. Chưa kể việc đi lại thời bao cấp quá khó khăn nên đành ăn tết trước hoặc sau thiên hạ.
Từ ngày làm quản lý du lịch, cũng không thể về quê bởi mùa tết thiên hạ đi chơi nhiều nhất. Làm lãnh đạo phải gương mẫu, thế là về quê trước tết. Ngày 30 trực lãnh đạo, khuya cúng giao thừa, sáng mồng 1 lên công ty lì xì cho nhân viên và mồng 2 lên đường. Bây giờ chỉ còn đi tour vào đầu năm, giao thừa và trực cuối năm đã có người thay. Làm ngành du lịch, từ lữ hành cho tới khách sạn, nhà hàng mà cứ đòi về quê ăn tết thoải mái thì rất căng, trước sau cũng mất việc. Nhiều hướng dẫn viên còn phải đi tour và phục vụ du khách “trốn tết”, từ cuối năm cũ sang đầu năm mới. Các khu vui chơi, giải trí cũng vậy. Với các bạn sinh viên thời bao cấp, nghỉ tết không biết làm gì, phải “về quê hay là chết”; chứ ngày nay, mùa tết là mùa làm thêm, mùa kiếm tiền của nhiều sinh viên nên đành hy sinh niềm vui đoàn tụ, để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ cha.
Ai chẳng muốn về quê nhưng do đăc thù nghề nghiệp, nhiều người không thể. Đọc bài viết của Lê Hoàng, anh em bộ đội và công an biên phòng chắc tủi thân lắm, nhất là ở các đảo xa. “Về quê hay là chết”, nghĩa là phải về quê bằng mọi giá, thì lấy ai làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, hải đảo? Kể cả nhân viên làm dịch vụ công như điện, nước, bệnh viện, viễn thông, xe buýt… Thời chưa được về quê, tối 30 năm nào tôi cũng rủ thêm anh em công ty vào chúc tết khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy và đón giao thừa sớm với Bệnh viện Từ Dũ. Tết không thể về quê thì buồn, rất buồn nhưng chưa thấy ai chết nhưng về quê bằng mọi giá thì có thể chết vì tai nạn giao thông. Cầu vượt quá cung, nhà xe tha hồ chặt chém và nhồi nhét khách, tài xế xoay vòng không kịp nghỉ ngơi, nên tai nạn dễ xảy ra hơn. Nhiều bạn không mua được vé tàu, vé xe thì đánh đu tính mạng mình bằng cách cưỡi xe máy mấy trăm km, thậm chí đi cả ngày lẫn đêm gần ngàn cây số, cực kỳ nguy hiểm, để về quê ăn tết.
Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước được nghỉ tết nhiều nhất. Để có được tấm vé xe, vé tàu về quê ăn tết là cuộc chiến thật sự gian nan, năm nào cũng có sự cố chết người. Người Việt trọng tình nghĩa, nên về quê ăn tết để sum họp gia đình, để thắp hương ông bà, viếng mộ tổ tiên, thăm anh em dòng họ… Nhưng cũng không ít người về quê để được ăn nhậu xả láng. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp lễ tết là tai nạn giao thông, ngộ độc rượu bia và thực phẩm chóng mặt. Sao mình không đơn giản bớt việc ăn nhậu? Chỉ giữ lại phần nghi thức truyền thống. Có thể nghỉ ít ngày hơn, giãn ngày nghỉ ra nhiều đợt, vào các dịp phép năm, thay phiên nhau về quê như thiên hạ. Châu Âu, Mỹ chỉ nghỉ tết 1 ngày dù họ giàu có hơn mình mấy chục lần. Asean nghỉ tết 3 ngày nên vấn nạn về quê cũng không trầm trọng. Nhật Bản, vốn rất coi trọng truyền thống, từ lâu đã ăn tết tây và cũng chỉ nghỉ 1 ngày.
Sẽ bị ném đá tới tấp nếu ai đó lỡ đặt vấn đề “Tại sao cứ phải về quê ăn tết?”. Về quê ăn tết là việc sống chết ở Trung Quốc và Việt Nam, điều đó thể hiện tinh thần thượng tôn những giá trị truyền thống. Oái oăm thay, đó cũng là 2 nước mà đạo đức xã hội đang được báo động là xuống cấp. Về quê ăn tết, là nguyện vọng chính đáng và thiêng liêng của mọi người dân Việt khắp năm châu. Những ai có điều kiện mà không về thì khó mà chấp nhận. Với những ai không có điều kiện, hoặc vì nhiệm vụ, vì phân công của xã hội không thể về quê dù buồn nhưng cũng đừng bi ai. Càng không thể chết. Chết đâu có dễ? Mình ở lại để nhiều người được về quê, để nhịp sống không bị gián đoạn, để tổ quốc bình yên. Có người hỏi “Thời sinh viên, Lê Hoàng từng “Về quê hay là chết?” nhưng từ ngày vào Sài Gòn lập nghiệp, đạo diễn đã về lại quê mấy lần?”. Cuộc sống luôn có 2 mặt, cái gì cũng tương đối và tùy vào điều kiện nhất định của từng con người cụ thể.
Bình luận (0)