Gửi tinh trùng chuột lên vũ trụ bằng… bưu thiếp

09/08/2021 22:49 GMT+7

Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát triển một phương pháp bảo quản tinh trùng chuột dễ dàng và tiện dụng, phù hợp để đưa lên trạm vũ trụ.

Để đưa tinh trùng chuột lên trạm vũ trụ nghiên cứu, các nhà khoa học trước nay bảo quản tinh trùng trong các lọ thủy tinh nhỏ. Các lọ thủy tinh này thường bị vỡ trong quá trình phóng tên lửa khiến mẫu tinh trùng bị hỏng. Các nhà khoa học phải sử dụng đệm để bảo đảm lọ thủy tinh không bị vỡ nên chiếm nhiều diện tích.
Nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của ông Teruhiko Wakayama thuộc Đại học Yamanashi (Nhật Bản) đã tìm ra phương pháp mới tiện lợi hơn. Theo đó, họ sấy lạnh tinh trùng của chuột trên một mẩu nhựa mỏng nhỏ rồi dán chúng lên các trang giấy cân, theo trang SciTechDaily ngày 6.8.

Các mẫu tinh trùng được dán lên miếng nhựa nhỏ và dán lên trang giấy. Các trang giấy được đóng thành cuốn sổ

Ảnh chụp màn hình SciTechDaily

Các trang giấy này được đóng lại thành cuốn sổ và mỗi cuốn sổ có thể chứa hàng ngàn mẫu tinh trùng. Để thử nghiệm khả năng sống sót của tinh trùng, các nhà nghiên cứu đã cho một số mẫu vào bưu thiếp và gửi cho nhau. Kết quả là những mẫu tinh trùng này vẫn còn sống và cho tỷ lệ sinh sản cao sau khi được cấy vào chuột mẹ.
Ông Daiyu Ito, tác giả đại diện của dự án từ Đại học Yamanashi cho biết: “Tôi rất ấn tượng khi chuột con đã thực sự được sinh ra từ tinh trùng được gửi qua bưu thiếp. Chiến lược này dễ dàng và rẻ hơn so với bất kỳ phương pháp nào khác”.

Các mẫu tinh trùng chuột được gửi bằng bưu thiếp dễ dàng

Ảnh chụp màn hình SciTechDaily

Ngoài lợi ích trong việc đưa tinh trùng lên vũ trụ, đây còn là phương pháp có ích trong việc bảo quản nguồn gien trên Trái đất vì tính an toàn và cần ít không gian lưu trữ.
Các nhà khoa học tin rằng một khi “sổ tinh trùng” và phương pháp gửi tinh trùng qua bưu thiếp được hoàn thiện, sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực bảo tồn gien trên toàn thế giới. Mục tiêu tiếp theo của họ là có thể bảo quản chúng trong ít nhất một tháng ở nhiệt độ phòng. Trong tương lai, họ cũng hy vọng sẽ phát triển một phương pháp giúp tinh trùng đã sấy lạnh sống lại và tự thụ tinh khi gặp nước.

"Phi hành gia" 7 tuổi vì sao được gửi đồ lên mặt trăng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.