Bắt mắt, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã, những đôi guốc mộc - vốn là món đồ thời trang cổ tưởng như chỉ hợp với các trang phục Việt xưa nay đã có thể phối với nhiều kiểu quần áo, tạo nên nhiều phong cách thời trang khác nhau. Điều đó làm cho ngày càng nhiều tín đồ thời trang trẻ ưng dùng và tiếp tục kết hợp làm nên những sắc thái mới cho những đôi guốc quê nghề thủ công.
Guốc gỗ một thời…
Guốc gỗ từ lâu đã được người lao động sử dụng như một loại sản phẩm thời trang bảo hộ. Trên thực tế, guốc gỗ thậm chí còn được Liên minh châu Âu chứng nhận là giày an toàn vì chúng có thể chịu được các vật sắc nhọn, nặng và axit đậm đặc. Theo truyền thống, các nghệ nhân lành nghề làm chúng bằng tay. Như các tín đồ có thể tưởng tượng, việc chạm khắc thủ công một đôi guốc gỗ giống hệt nhau là một công việc rất khó khăn, vì thế tính độc bản của những sản phẩm thủ công này là giá trị lớn nhất mà chúng mang lại cho người dùng.
Chúng thường được mang bên ngoài giày da hoặc giày vải để nâng cao chân người mang, không bị vướng bùn trên những con đường đất, bẩn. Những người lao động nghèo, không đủ tiền mua giày, đã mang gỗ trực tiếp vào chân và đó là lý do người ta vẫn nói đôi guốc được đi lên từ… làng quê (ngoài lý do nó được sản xuất ở làng nghề thủ công). Ở những vùng khác nhau của châu Âu, người ta đưa ra các giải pháp cho những vấn đề tương tự, do đó Choppino ở Ý, Sabot ở Pháp và Bỉ, Klomp và Galoche - có hàng tá biến thể xung quanh sản phẩm đặc biệt đến từ các xưởng thủ công, thôn quê này. Và dù ở biến thể nào thì hầu hết chúng sẽ là loại sản phẩm gồm hai phần là đế gỗ và quai (chất liệu khác) hoặc một số ít là gỗ nguyên miếng (hài gỗ, giày gỗ, sục gỗ…).
Hiện đại và truyền thống đan hòa
Cùng với Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia còn dùng nhiều guốc gỗ. Hàng chục triệu đôi guốc gỗ được sản xuất tại Hà Lan mỗi năm. Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… con số đó cũng không kém cạnh gì. Hơn cả một món đồ thời trang, những họa tiết trên guốc được bảo tồn, phát triển và nó trở thành một món đồ lưu niệm thiết yếu - nhìn guốc là biết quốc gia.
Chị Tâm (Guốc mộc Sài Gòn) cho biết: "Guốc nhẹ, tiện dùng bởi nguyên liệu làm nên nó là các loại gỗ như mít, thông... có đặc tính xốp, dễ xẻ, dễ tạo mẫu. Trải qua nhiều công đoạn như cưa khúc, bổ khổ, xẻ, mài thô rồi định hình, mài bóng, nhẵn, phun sơn và cuối cùng là đóng đế (hoặc sơn vẽ trang trí) đôi guốc hình thành trong sự tỉ mỉ của bàn tay người thợ".
"Có nhiều loại guốc từ guốc mộc, guốc sơn đến guốc vẽ khắc hoa văn... Nếu kết hợp với các nghề thủ công khác thì còn có cả các loại thêu tay, sơn mài, kết cườm tạo thành những sản phẩm thời trang mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao", chị Tâm nói tiếp.