Gương mặt Giải thưởng Lý Tự Trọng: Những người trẻ sáng tạo vì cộng đồng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
23/03/2019 07:34 GMT+7

Họ là những cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018. Mỗi người đều có những cống hiến khác nhau nhưng điểm nổi bật ở họ là sự sáng tạo vì cộng đồng.

Tranh tường bích họa

Dương Minh Tuấn (30 tuổi), Bí thư Đoàn P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có nhiều sáng kiến trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Năm 2018, Tuấn đã có sáng kiến xóa bỏ 2 tụ điểm tập kết rác ô nhiễm môi trường trên địa bàn, biến nơi đây thành những vườn hoa thanh niên, con đường bích họa. Nhà văn hóa thôn Tân Xuân (P.Xuân Đỉnh) nằm trên một quả đồi, xung quanh là nơi bỏ không, nên thường bị người dân tập kết rác thải, rất mất mỹ quan. Trong ngõ 457 Xuân Đỉnh cũng là điểm nóng về môi trường, do người dân xả rác bừa bãi và bờ tường bị dán nham nhở các thông tin rao vặt. Tổ dân phố đã tuyên truyền rất nhiều nhưng không đạt kết quả. Tuấn đã chọn 2 điểm này để triển khai: công trình Vườn hoa thanh niên và tranh tường bích họa.
Đặc biệt, từ việc không có kinh phí để thực hiện công trình, Tuấn đã vận động xã hội hóa nguồn lực, triển khai tới các chi đoàn thu gom phế liệu, phân loại rồi đem bán lấy tiền, mua những cây hoa, cây xanh… để trồng tại công trình vườn hoa thanh niên và mua nguyên vật liệu, màu để vẽ các bức tranh tường.
“Các họa sĩ thực hiện công trình bích họa là những sinh viên đang học tại các trường ĐH: Kiến trúc, Mỹ thuật… Công trình là những bức tranh 3D cao tới 3,5 m và dài 10 m, với những phong cảnh quê hương, gần gũi người dân”, Tuấn chia sẻ.
Giờ đây ngõ 457 Xuân Đỉnh trở thành một không gian đầy hồn quê với cây đa, bến nước, mái đình. “Nhiều người dân trong thôn phấn khởi ra chụp ảnh với bức tường và mong muốn chúng tôi đến vẽ ở khu ngõ của họ”, Tuấn kể.

Cùng thanh niên khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, Thiệu Minh Quỳnh (32 tuổi), Bí thư Thành đoàn TP.Thái Bình, luôn trăn trở làm sao giúp thanh niên khởi nghiệp trên quê hương. Nhận thấy đầu ra của nông sản khó khăn nên Quỳnh cùng 22 đoàn viên, thanh niên thành lập CLB thanh niên khởi nghiệp và thành lập hợp tác xã (HTX) thanh niên TP.Thái Bình.
Trong HTX này, Quỳnh tham gia xây dựng 3 mô hình khởi nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị phục vụ cộng đồng. Dự án khởi nghiệp này đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 1” do T.Ư Đoàn tổ chức năm 2018 với 3 mô hình kinh tế gồm: sản xuất, phân phối các loại thực phẩm, nông sản, thủy hải sản sạch; tư vấn cung cấp các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm; phân loại rác thải tại nguồn.
“Thái Bình là vùng đất nông nghiệp và đã tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp sạch theo quy mô lớn, nhưng sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân là do thiếu liên kết 3 bên gồm: nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng, trong đó quan trọng nhất là khâu phân phối. Xuất phát từ thực tế đó, mình và các thành viên trong HTX đã xây dựng hệ thống Liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm”, Quỳnh chia sẻ và cho biết mô hình này hiện đang phát triển tốt cho doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, Quỳnh tâm đắc với dự án hỗ trợ dịch vụ phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn trên địa bàn TP.Thái Bình. Theo Quỳnh, hiện các công đoạn thu gom, xử lý rác thải chưa đồng bộ, nên ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải trong khu dân cư đã trở thành vấn đề bức xúc.
“Giải quyết được vấn đề thu gom rác thải từ nguồn sẽ tạo thuận lợi cho công tác xử lý tiếp theo, làm giảm chi phí, nhân công trong quá trình xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường sống và giữ gìn sức khỏe của người dân”, Quỳnh cho hay.
Với mô hình này, Quỳnh đã vận động các nguồn lực xã hội sản xuất và tặng người dân các thùng đựng rác thông minh để họ có ý thức phân loại rác thải. Để duy trì mô hình, Quỳnh cho biết sẽ huy động các đoàn viên, thanh niên dùng chính phế thải thu gom được để tái chế ra các thùng rác, bán sản phẩm ra thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.