Hà Giang đẹp ngất ngây, du khách check-in không biết chán

25/04/2021 20:06 GMT+7

Đường đến Hà Giang khó khăn là vậy, nhưng đứng trước cảnh sắc đẹp ngất ngây của mây trắng bồng bềnh giữa cao nguyên đá, du khách khó tính đến mấy cũng phải xiêu lòng.

Là tỉnh vùng cao nằm ở cực Bắc Việt Nam, nhưng Hà Giang lại sở hữu nhiều lợi thế phát triển du lịch, là nơi giao thoa văn hóa giữa vùng Đông Bắc - Tây Bắc. Hà Giang còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là các điểm đến trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn như: Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, Dinh thự họ Vương…
Ngoài ra, tỉnh còn có dãy Tây Côn Lĩnh chạy dọc phía Tây, với đỉnh núi cao hơn 2.400m so với mặt nước biển cùng nhiều cánh rừng nguyên sinh chưa được khai phá. Nơi đây cũng là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, hội tụ 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo…
Từ TP.HCM đến Hà Giang, du khách mất gần 1 ngày để di chuyển bằng máy bay và xe khách, nhưng bù đắp lại, cảnh sắc nơi đây đẹp đến nao lòng. Đứng giữa mây trời, hòa mình vào không gian mát mẻ, trong lành, gặp gỡ những con người mộc mạc chân chất là những điều khiến du khách từng đến Hà Giang nhất định sẽ quay lại.

Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến núi non trùng điệp, đường đèo ngoằn nghoèo, nhưng hầu hết dân phượt hay du khách đến với Hà Giang đều ghé check-in tại đoạn Dốc Thẩm Mã này. Thẩm Mã tức là thử sức ngựa, theo người dân nơi đây, con dốc có tên gọi như vậy vì ngày trước người dân vận chuyển hàng hóa bằng sức ngựa, con ngựa nào kéo càng được nhiều hàng vượt qua dốc này thì đó là con ngựa khỏe, có sức bền tốt.

Ảnh: Vũ Phượng

Dốc Thẩm mã là nơi nhiều trẻ em, người già ở Hà Giang địu hoa ra đứng để chờ du khách đến check-in chụp ảnh. Du khách có thể mua những vòng hoa kết đội lên đầu hoặc mượn những chiếc gùi chất đầy hoa chụp ảnh.

Ảnh: Vũ Phượng

Hiện nay, Hà Giang có rất nhiều tài nguyên du lịch còn hoang sơ, chưa được khai thác. Nhiều nơi vẫn còn gìn giữ được nét văn hóa mang bản sắc đặc trưng với các vùng khác, chưa bị mai một, thương mại hóa

Ảnh: Vũ Phượng

Thời điểm tháng 4, tháng 5 thời tiết Hà Giang thuận lợi cho các hoạt động du lịch vì không có mưa nhiều cũng không quá lạnh hay quá nóng. Bà Nguyễn Thị Hoài - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 Hà Giang vẫn đón 1,5 triệu lượt khách du lịch

Ảnh: Vũ Phượng

Làng văn hóa Lô Lô nằm cạnh bên cột cờ Lũng Cú với 113 hộ dân tộc Lô Lô sinh sống, trong đó có 25 hộ mở dịch vụ homestay cho khách lưu trú với giá 80.000 đồng/người/ngày. Chị Sìn Thị Tuyên (42 tuổi, chủ một homestay) cho biết, trước khi mở dịch vụ, cả nhà chị chỉ đi làm nương và làm thuê. Còn nay cả gia đình tập trung làm homestay vốn đầu tư 400 triệu đồng. Sau gần 4 năm chị đã thu hồi vốn, khách đặt phòng dịp lễ 30.4-1.5 sắp tới đã kín chỗ.

Ảnh: Vũ Phượng

Mục tiêu của Hà Giang là phát du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, gắn kết với đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, địa chất và tâm linh, lịch sử…

Ảnh: Vũ Phượng

Dinh thự họ Vương là kết tinh của 3 nền văn hóa: H'Mong, Trung Quốc và Pháp với tổng diện tích 4.876,6m2. Dinh thự được khởi công từ năm 1898 đến năm 1903 hoàn thành.

Ảnh: Vũ Phượng

Bối cảnh trong phim "Chuyện của Pao" được sử dụng khai thác là điểm đến cho du khách ghé tham quan, dù đây đang là nhà ở của người dân bản địa. Từ đầu năm đến nay, Hà Giang đã đón 470 ngàn lượt khách du lịch, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, theo khảo sát của công ty Hà Giang là điểm đến được du khách yêu thích thứ 2 trong mùa hè này. Từ 14 -18.4 vừa qua, Vietravel đã phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức chương trình kích cầu với tên gọi "Sắc màu Hà Giang" để đưa du khách đến vùng địa đầu tổ quốc. Hiện tại tour 4 ngày 3 đêm từ TP.HCM đi Hà Giang được công ty bán với giá 5.690.000 đồng khởi hành thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.

Ảnh: Vũ Phượng

Hẻm Tu Sản được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á với chiều cao vách đá lên đến 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km, là kỳ quan độc nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn

Ảnh: Vũ Phượng

Ngồi quán cà phê giữa núi trời mây bay, ngắm dòng sông Nho Quế trên đèo Mã Pì Lèng. Ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh kỳ vọng giai đoạn 2020 - 2025 sẽ được đầu tư khởi công cao tốc đến Hà Giang, qua đó thu hút hơn nữa lượng khách đến với địa phương.

Ảnh: Xuân Hoa

Những đứa trẻ ở Hà Giang, sau giờ học thường đi hái hoa và đến điểm có du khách tham quan để chụp ảnh. "Cát-xê" của các em thường được khách cho là hộp sữa, túi kẹo,...

Ảnh: Vũ Phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.