Hà Lan khởi động bầu cử Nghị viện châu Âu

06/06/2024 19:07 GMT+7

Hôm nay (6.6), người dân Hà Lan trở thành những người đầu tiên đến các phòng phiếu chọn ra thành viên của Nghị viện châu Âu năm nay, khởi động chuỗi bầu cử kéo dài 4 ngày trên khắp Liên minh châu Âu (EU).

Hà Lan khởi động bầu cử Nghị viện châu Âu- Ảnh 1.

Lãnh đạo phe cực hữu Hà Lan Geert Wilders bỏ phiếu ở The Hague hôm 6.6

REUTERS

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6-9.6, với gần 400 triệu người đủ tư cách cử tri tại 27 nước thành viên EU, theo Reuters hôm 6.6.

Sau Hà Lan, đến lượt Ireland và CH Czech mở cửa các phòng phiếu vào ngày 7.6, trong khi Malta, Slovakia và Latvia tổ chức bầu cử ngày 8.6 và phần còn lại của 27 nước EU sẽ đồng loạt đi bầu nghị viện vào ngày cuối cùng là 9.6.

Cử tri Hà Lan sẽ chọn ra 31 nghị sĩ trong tổng cộng 720 ghế tại Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới. Số nghị sĩ của mỗi nước thành viên EU được phân bổ theo tỷ trọng dân số, nhưng không nước nào có ít hơn 6 hoặc nhiều hơn 96 nghị sĩ.

Dự kiến những kết quả đầu tiên sẽ được công bố sau 4 giờ sáng 10.6 (giờ Việt Nam). Theo giới quan sát, cuộc bầu cử năm nay sẽ chứng kiến phe cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và giành được thêm quyền ảnh hưởng chính trường Brussels dù các thế lực chính thống vẫn xoay xở duy trì quyền kiểm soát, theo AFP.

Hà Lan khởi động bầu cử Nghị viện châu Âu- Ảnh 2.

Cử tri đến phòng phiếu ở Nijmegen (Hà Lan) hôm 6.6

REUTERS

Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy những đảng trung hữu và trung tả, các đảng tự do và đảng xanh chỉ giành được thế đa số nhỏ hơn so với nghị viện chuẩn bị hết nhiệm kỳ. Diễn biến này làm phức tạp hơn những nỗ lực thúc đẩy thông qua các nghị trình mới của EU, hoặc có thể dẫn đến chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ EU.

Nhiệm kỳ của nghị viện mới sẽ chấm dứt vào năm 2029. Trong giai đoạn này, nghị viện cần phải thông qua ngân sách 7 năm kế tiếp của EU, với Ukraine, Moldova và các nước ở vùng Tây Balkan đang tìm cách gia nhập khối.

Nếu việc kết nạp được triển khai, chính quyền các nước thành viên và Nghị viện châu Âu cần phải nhất trí về những thay đổi trong nội bộ khối, bao gồm các khoản trợ cấp dành cho nông nghiệp và các chính sách nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân.

Những thách thức ngoại khối bao gồm cạnh tranh công nghiệp đến từ Trung Quốc và Mỹ, mối đe dọa an ninh từ Nga và nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.