Sáng 27.6, hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.300 nhà đầu tư, nhiều đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, đối tác lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư, với tổng số vốn 483.100 tỉ đồng (tương ứng 21,66 tỉ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư.
Dịp này, 229 dự án cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 405.570 tỉ đồng. Hà Nội cũng cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỉ USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước thông tin Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, và cho rằng kể cả “rơi rớt đi”, mà còn được 60% số dự án này đi vào hoạt động, cũng đã là thành công trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Theo Thủ tướng, trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19, ông như thấy được một tinh thần Hà Nội của những năm tổng khởi nghĩa, góp phần tạo uy tín và sức mạnh mềm của Việt Nam trong khu vực và thế giới. “Trước tôi có nói câu “Hà Nội không vội được đâu” thì bây giờ câu nói đó đã lạc hậu rồi, cũ rồi”, Thủ tướng nói, thể hiện ở việc Hà Nội đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển; xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, giờ đây Hà Nội không chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam nữa, mà phải có một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, là trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội phải tận dụng được yếu tố “thiên thời” hiếm có hiện nay, tận dụng tối đa lợi thế địa chính trị, kinh tế của Việt Nam; và quan trọng nhất phải xây dựng được 5 chữ “tinh” - “tinh thông” trong công việc, “tinh nhuệ” trong hành động, “tinh gọn” về bộ máy, “tinh túy” về chất cán bộ, “tinh ý” trong hiểu người dân, doanh nghiệp, để đạt yếu tố “nhân hòa”.
Thủ tướng cũng đặt ra “đầu bài” cho Hà Nội là cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít nhất là 10 năm, thậm chí là 15 năm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành TP có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 - 14.000 USD; đến năm 2045, trở thành TP toàn cầu có thu nhập cao. “Đây là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng TP sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ”, ông Huệ khẳng định.
Bình luận (0)