Hà Nội chốt phương án ga ngầm C9 ngoài vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm

Mai Hà
Mai Hà
23/03/2022 16:33 GMT+7

Liên quan đến ga ngầm C9 dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, UBND TP.Hà Nội thống nhất với phương án 1 điều chỉnh thiết kế ga nằm ngoài vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa kết luận phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Phối cảnh ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm

MRB

Theo đó, thành phố không đồng ý phương án 3 - bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai. Lý do, không phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, Quy hoạch GTVT thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ảnh hưởng tới kỹ thuật chạy tàu, ảnh hưởng đến năng lực vận hành và khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan.

Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi tuyến đã đi vào khai thác vận hành là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn hành khách, thời gian thi công kéo dài… dẫn tới tăng chi phí xây dựng.

Đối với 2 phương án còn lại, phương án 1 (điều chỉnh thiết kế, vị chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn) và phương án 2 (giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 đã được Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các sở, ngành thành phố thống nhất đề xuất) đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, Quy hoạch GTVT thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B (khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận).

Tuy nhiên, theo phương án 2, phần cơ bản thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo thông báo, phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa. Phương án này cũng giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội và Bộ VH-TT-DL.

Cụ thể, kết cấu ga ngầm C9 và đoạn tuyến đưa ra khỏi vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; hạn chế tối đa việc di dời cây xanh khi thi công nhà ga (đào hở), đảm bảo cảnh quan, môi trường văn hóa và sinh thái khu vực di tích; ga C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng, tuyến hầm phải điều chỉnh kết cấu từ đi song song đồng mức sang đi xếp chồng dẫn đến giảm phạm vi ảnh hưởng và thu hẹp hành lang tuyến, hạn chế ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích.

Bố trí được lối lên, xuống nhà ga hợp lý không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích; đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, Quy hoạch GTVT thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ga cũng cách xa Tháp Bút (điểm đầu nhà ga cách Tháp Bút khoảng 97 m và hình chiếu tuyến cách Tháp Bút khoảng 30 m), biện pháp thi công nhà ga đảm bảo không tạo ra rung chấn, ảnh hưởng đến di tích.

Từ đánh giá nêu trên, UBND thành phố thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội (tuyến số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.