Giữ nguyên, điều chỉnh tuyến, hoặc bỏ ga
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chiều 18.3 đã thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, Dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo đó, do một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn khiến việc triển khai dự án bị ảnh hưởng lâu nay.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm được cho là sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phát sinh việc phải báo cáo các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến dẫn tới điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí...
Do đó, ông Dương Đức Tuấn giao MRB chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án.
Phương án thứ nhất, nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ 2 của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ 2).
Phương án thứ hai, giữ nguyên, không điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm, củng cố các văn bản pháp lý để UBND thành phố thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.
Phương án thứ ba, giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...
Ông Tuấn yêu cầu phải có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét ngay trong tháng 3, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Theo phương án được đưa ra từ hơn 10 năm trước, nhà ga chính C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Gươm.
Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Ga có 4 cửa lên xuống. Cửa số một được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).
Cửa lên xuống số 4 có hai phương án, một là nằm phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ 1 của di tích đền Bà Kiệu.
Chậm tiến độ nhiều năm
Hồi tháng 11.2018, Thanh Niên cũng đã đưa tin về cuộc tranh luận kéo dài liên quan đến vị trí ga ngầm này. Theo đó, trong nhiều năm, MRB tư vấn vẫn kiên quyết giữ vị trí ga C9 trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cách Tháp Bút khoảng 36 m, với lý do nó không ảnh hưởng với vùng bảo vệ 1 của di tích (hồ Gươm, Tháp Bút...), có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác và mang tính khả thi cao nhất...
Ban Quản lý dự án cũng khẳng định ga này sẽ không gây tắc nghẽn khu vực hồ Gươm vì đây chỉ là ga trung gian, lưu lượng khách khoảng 6.700 người/ngày.
Đại diện phía Nhật Bản thời điểm đó, TS Phan Hữu Duy Quốc, Phó trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu, nhà thầu chính thi công đoạn ngầm của tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đang thi công tuyến ngầm Ba Son đến Nhà hát thành phố, cũng khẳng định phương án thi công bằng công nghệ khiên đào - lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam (tại ga C9) sẽ hầu như không ảnh hưởng đến công trình xung quanh.
Đại diện phía tư vấn Nhật Bản cũng mang đến kinh nghiệm từ đất nước này (đã phát triển đường sắt đô thị từ 1927 và mất 90 năm để hoàn thiện 50 tuyến đường sắt đô thị ở các thành phố lớn, theo TS Phan Hữu Duy Quốc), chia sẻ việc nhiều tuyến và ga ngầm được xây dựng ngay dưới chân di tích tại Tokyo, Kyoto, như một ví dụ bảo đảm cho chất lượng.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia đặt câu hỏi, “nếu lưu lượng khách đông sẽ gây tắc nghẽn, còn nếu khách không đông thì đưa ga ngầm vào đó làm gì?”, gây lo ngại ảnh hưởng đến di tích.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Dự án chậm tiến độ nhiều năm và đã có thời điểm được kiến nghị phải báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị vì đội vốn.
Bình luận (0)