Hà Nội có '3 cái nhất' để trở thành trung tâm khoa học lớn của quốc gia

Vũ Hân
Vũ Hân
14/07/2020 19:10 GMT+7

Buổi thảo luận giữa các đại diện Hà Nội và Bộ Khoa học - Công nghệ về phát triển KHCN Thủ đô đã diễn ra dưới sự điều hành của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung .

Chiều 14.7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN). Buổi làm việc có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và nhiều thứ trưởng các bộ, ngành có liên quan.
Theo Bí thư Thành uỷ, Hà Nội xác định là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN, bởi ngoài vị thế là đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, Hà Nội còn được định vị là 1 trong 5 trung tâm lớn của cả nước. Hà Nội cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu không chỉ của đất nước, mà tiến tới là của khu vực Đông Nam Á, trong một số lĩnh vực.
Sau phát biểu của Bí thư Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh đã điều hành phần thảo luận.
Ông Chung đề nghị ngoài báo cáo chung của TP, các sở, ngành, cần phát biểu cụ thể hơn về những vấn đề cụ thể của ngành mình để làm sáng tỏ thêm, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thông tin - truyền thông…
Theo Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, Sở này nhận được nhiều kiến nghị từ các tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học về vướng mắc, bất cập trong cơ chế tài chính. Ông Ngọc Anh cho rằng, đây không phải là vướng mắc của riêng Hà Nội, mà của nhiều địa phương khác, từ xây dựng dự toán, tạm ứng kinh phí,… đề nghị được tháo gỡ.
Tương tự, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cũng cho rằng, với kinh phí bố trí cho đề tài ít, chỉ 800 triệu đến hơn 1 tỉ đồng, thời gian bố trí ngắn, thì không đủ phục vụ cho những nghiên cứu dài hơi, ví dụ phát triển một giống mới… Đây là vấn đề các sở, ngành của Hà Nội đề nghị tháo gỡ.
Ngoài 2 vấn đề trên, Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị tháo gỡ 6 điểm chính, như đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ để Hà Nội và TP.HCM có các chính sách riêng phát triển KHCN; hỗ trợ tư vấn mô hình, vận hành Sàn giao dịch công nghệ TP.Hà Nội, hỗ trợ liên kết mạng lưới chuyên gia; tạo lập và chia sẻ cơ sở dư liệu KHCN để phục vụ hoạt động KHCN của TP nói chung và Sàn giao dịch CN nói riêng; xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”…

3 năm nữa Hà Nội có thể bắt kịp Kuala Lumpur về công bố quốc tế

Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định cho biết, theo báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore và Malaysia, nhưng đứng trước Thái Lan. Có thành quả như vậy, chắc chắn có đóng góp rất lớn của Hà Nội - trung tâm lớn nhất của cả nước về phát triển KHCN.

Lãnh đạo Hà Nội và Bộ KH-CN chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác giữa 2 bên

Ảnh V.H

Theo ông Định, Hà Nội có “3 cái nhất” về KHCN.
Thứ nhất là tiềm lực, bao gồm hạ tầng mạnh nhất, có lực lượng nghiên cứu khoa học đông nhất, có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất và đóng góp tỉ lệ cao nhất trong lĩnh vực KHCN quốc gia.
Thứ hai là cường độ đầu tư trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo cũng cao nhất trong cả nước, với nguồn lực đầu tư cả của T.Ư, Hà Nội và nguồn lực lớn từ các DN, các tập đoàn lớn.
Thứ ba, Hà Nội cũng dẫn đầu về sản phẩm đầu ra của khoa học, thể hiện ở cả 2 yếu tố: số lượng công bố quốc tế năm 2019 Hà Nội đạt xấp xỉ gần 5.000 trên tổng số hơn 12.000 công bố của cả nước, và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng cao hơn cả nước.
So với khu vực, tổng công bố quốc tế của Hà Nội trong 5 năm gần đây bằng 24% của Singapore, 36% của Bangkok và 44% của Kuala Lumpur (riêng năm 2019, công bố của Hà Nội bằng 65% của Kuala Lumpur), dự kiến 3 năm nữa có thể bắt kịp Kuala Lumpur và 5 năm nữa sẽ đuổi kịp Bangkok.
Với tất cả các lợi thế đó, ông Định cho rằng, diện mạo phát triển KHCN thủ đô giai đoạn tới chắc chắn phải khác giai đoạn trước, chủ yếu ở việc DN sẽ là chủ đầu tư lớn nhất chứ không phải nhà nước như giai đoạn vừa rồi. Do đó, toàn bộ chính sách phải xoay trục để phục vụ DN đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
“Nếu năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập đầu người 8.000 - 9.000 USD/năm, thì cấu hình đầu tư của các nước là 70% từ DN, 30% từ nhà nước; tỷ lệ đầu tư cho KHCN không thấp hơn 1% GRDP của TP, chỉ vượt qua ngưỡng như thế mới có tăng trưởng cao”, ông Định lưu ý.
Cũng theo ông Định, hiện Hà Nội có 33 DN trích lập quỹ phát triển KHCN mà riêng năm 2019 đã trích lập được hơn 2000 tỉ đồng, đúng bằng 1 nửa chi sự nghiệp KHCN của TP 5 năm qua, tức là chỉ cần khơi thông đầu tư KHCN trong DN 1 năm thì nguồn lực cho KHCN sẽ là rất lớn. Vấn đề là “chúng ta phải tin rằng DN dùng quỹ đó cho đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của họ”, theo ông Định.
Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cảnh báo một thực tế là Hà Nội và TP.HCM là những địa phương đi tiên phong, nên sẽ gặp những rào cản thể chế sớm hơn. Do đó, 2 “đầu tàu” này sẽ là nơi thử nghiệm chính sách cho các mô hình mới, để tạo tiền đề cho phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.