70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024)

Hà Nội đáng yêu, đáng nhớ nhưng hết sức mỏng manh

Ngữ Yên
(thực hiện)
10/10/2024 08:01 GMT+7

Trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên, GS Hoàng Đạo Kính, người vừa đoạt giải thưởng lớn của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, đánh giá cảnh quan Hà Nội đáng yêu, đáng nhớ nhưng hết sức mỏng manh.

Thành phố đặc sắc văn hóa phố phường

* Trong ngày hội Văn hóa vì hòa bình vừa qua bên hồ Gươm nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, chúng ta thấy hình ảnh bộ đội về thủ đô được tái hiện bên cạnh cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, chợ Đồng Xuân… Đó đều là những biểu tượng cho đô thị Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc đến nay. Vào thời kỳ đó văn hóa Hà Nội như thế nào, con người Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- GS Hoàng Đạo Kính: Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp bắt đầu thuộc địa hóa Hà Nội thì Hà Nội là tập hợp nhiều con phố chứ không phải một thành phố thực thụ được quy hoạch với đường sá lớn, tổ chức giao thông quy củ, có quảng trường, vườn hoa… Hà Nội từ sau thế kỷ 19, những gì cấu thành văn hóa kinh đô chuyển vào Huế. Cơ ngơi văn hóa, văn hóa Hà Nội mà mình đang kế thừa là văn hóa phố phường, định hình với đà phát triển Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, sau khi người Pháp mở mang Hà Nội tạo ra thành phố cai trị, hành chính và phần nữa là hình thành văn hóa phố phường.

Hà Nội đáng yêu, đáng nhớ nhưng hết sức mỏng manh- Ảnh 1.

GS Hoàng Đạo Kính

ẢNH: HÒA NGUYỄN

Văn hóa phố phường là gì ? Đó là văn hóa cộng cư (ở liền kề), buôn bán là chính, buôn bán cạnh tranh ngấm ngầm qua chất lượng, sự quen biết, tiếng đồn. Đó là văn hóa đặc biệt của phố phường Hà Nội ngày xưa. Bên cạnh đó là các làng nghề, phố phường mang tên theo nghề. Hà Nội là đô thị làm chủ nền văn hóa phố phường với đỉnh cao là những người ăn nên làm ra, buôn bán lớn có tên có tuổi, quan trọng là lớp tiểu tư sản. Tiểu tư sản Hà Nội buôn bán nhỏ, nhưng là lớp buôn bán có học, có tiếp thu văn hóa phương Tây, sinh ra văn hóa tiểu tư sản, rồi hình thành những tiểu tư sản yêu nước đi theo Bác Hồ. Từ văn hóa tiểu tư sản Hà Nội chỉ trong hàng chục năm đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện thơ, kịch, hội họa, giới thưởng ngoạn. Sự đi lên này tạo văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

* Rồi sau đó, quy hoạch kiến trúc Hà Nội thay đổi thế nào, con người Hà Nội ảnh hưởng và thay đổi tiếp ra sao, thưa ông?

- Sau 1954, chúng ta kế thừa Hà Nội và văn hóa phố phường như thế. Tuy nhiên, Hà Nội từ 5 vạn dân thành 40 vạn dân vào 1954. Sự tăng cường dân không bằng lực lượng sản xuất mà bằng cán bộ, bộ đội từ chiến khu về, hệ thống cơ quan nhà nước...

Từ 1954 - 1986 và thời kỳ những năm 1990, Hà Nội có nhiều biến đổi đáng kể như chống Mỹ, chống chiến tranh phá hoại… Giai đoạn này, quá trình xây dựng tương đối mạnh khiến thành phố thay đổi diện mạo, trong đó là các thiết chế như một loạt nhà máy, trường học, khu công nghiệp, và khoảng 1970 - 1980 là cuộc xây dựng nhà ở tập thể. Đó là một chủ trương vĩ đại, nhân đạo nhưng ít tính khả thi. Bao cấp ăn mặc còn khả thi chứ bao cấp nhà ở không khả thi được. Nó cũng tạo ra ứ tồn lịch sử, hàng trăm nhà tập thể ở Hà Nội giờ là ổ chuột cả về kỹ thuật xây dựng lẫn sinh sống. Đến trước 1975, Hà Nội đã hình thành một nền kiến trúc khác biệt so với thời thực dân, với phong cách kiến trúc thực tế như Trường Đảng, Trường ĐH Thủy lợi, Tổng cục Thống kê. Tất cả đều không xây nguy nga đồ sộ nhưng có nét riêng…

Chúng ta kế thừa từ Hà Nội trước 1954 văn hóa thương mại, buôn bán. Sau khi có công cuộc cải cách XHCN, công thương làm Hà Nội biến đổi cơ bản về phần mềm. Chẳng hạn, từng thực hiện công cuộc cải tạo công thương nghiệp bằng loại bỏ kinh tế tư sản buôn bán, rồi mậu dịch hóa thương mại, Hà Nội mạnh về buôn bán thương mại thì ta lại mậu dịch hóa. Buôn bán là một sản xuất rất sống động uyển chuyển lại thành phân phối thành thị trường với sự xuất hiện của vô vàn cửa hàng mậu dịch, kể cả cắt tóc, những điều đó làm Hà Nội thay đổi sâu xa về chất.

Từ 1990 đến giờ phải nói là bên cạnh sự phát triển bùng nổ chưa từng có, đột biến và hội nhập quốc tế, Hà Nội trở thành thành phố sản xuất với GDP rất lớn. Hà Nội mở rộng, xa, tứ phía. Càng ngày càng nhận ra cơ ngơi vật chất kỹ thuật, khả năng kiến tạo cơ sở vật chất của Hà Nội không theo kịp mở rộng lãnh thổ. Vì thế, ta thấy đường sắt cầu cống lạc hậu, khu xây dựng cũ không đáp ứng đời sống hiện đại…

Hà Nội đáng yêu, đáng nhớ nhưng hết sức mỏng manh- Ảnh 2.

Hồ Gươm nhìn từ trên cao

ẢNH: LÊ HUY

Xây dựng văn hóa thủ đô thời kỳ mới

* Vậy là chúng ta đang ở thời kỳ của "bùng nổ phát triển", song cơ ngơi vật chất kỹ thuật chưa theo kịp. Theo ông, văn hóa thì sao, có theo kịp sự bùng nổ đó không ?

- Văn hóa thành thị rất quan trọng. Lời ăn tiếng nói, cách mặc… của người Hà Nội đang trải qua thử thách rất lớn. Cái cũ rất mong manh, mờ nhạt đi, văn hóa mới có thể đang hình thành và việc tạo ra văn hóa thủ đô quan trọng hơn nhiều. Điều đáng nói là Hà Nội không chỉ đặc sắc trong cuộc cạnh tranh hôm nay mà phải là nội đô sở hữu, kết tụ, tích lũy giá trị tinh hoa lan tỏa.

* Lại nói chuyện về quy hoạch, kiến trúc, người dân, gần đây Hà Nội có nói đến phát triển thành phố bên sông, thành phố có rừng. Ông nghĩ sao về khả năng tạo dựng tương lai đó?

- Hà Nội trong sự phát triển mấy chục năm nay, vấn đề ứng xử với môi trường là một thách thức lớn, chứ không phải chuyện cải tạo công viên Thống Nhất, vườn hoa Pasteur, hay cây trồng bên đường. Cái lo nhất là chúng ta chiếm dụng đất đai một cách quá vung tay. Tài nguyên tự nhiên của Hà Nội không phong phú lắm.

Hà Nội chưa quan tâm đúng mức và để thành phố phát triển tự phát, tạo ra một khu vực ngoại đê Hà Nội. Ở đó là một cụm phát triển tự phát, một dạng ứ tồn đô thị, một "khu ổ chuột" của nhiều người có tiền. Sông Hồng cần phải trở thành một con sông kiến tạo đô thị, hình ảnh đô thị chứ không phải là một con sông chỉ chảy qua. Ngoài sông còn có hồ, mà ao hồ Hà Nội đang bị bao vây.

Cảnh quan Hà Nội đáng yêu, đáng nhớ nhưng hết sức mỏng manh. Trong khi chúng ta không những không chấm dứt được việc xây cất mà còn xây thêm. Chúng ta cần cải tạo chỉnh trang lại con sông, ao hồ và những khoảng đô thị xanh. Đấy cũng sẽ xây lên văn hóa của người Hà Nội.

Nhiều công trình kiến trúc thời bao cấp (1954 - 1986) xác lập những giá trị văn hóa mới sau khi đất nước giành được độc lập. Đó là những nhà máy cơ khí, bóng đèn, phích nước, cao su, xà phòng, thuốc lá, dệt may, bánh kẹo, đường, vật liệu xây dựng, biến Hà Nội từ một đô thị tiêu thụ thành đô thị sản xuất. Cùng với đó là yêu cầu tác phong làm việc công nghiệp đối với người lao động.

Thời kỳ này có những khu nhà ở tập thể, bắt đầu thay đổi lối sống của người Hà Nội, từ nhà mặt đất riêng tư sang nhà chung cư tập thể. Sự gắn bó cộng đồng không chỉ diễn ra theo phương ngang như ở làng, xã, phường hội mà còn xuất hiện theo phương đứng giữa các tầng nhà.

Đó còn là những trường mầm non trông trẻ cho bố mẹ đi làm ở cơ quan, xí nghiệp. Là cung thiếu nhi để đào tạo năng khiếu cho các em thơ, không phân chia giai tầng xã hội. Là những công viên lớn (công viên Thống Nhất, Thủ Lệ...) đáp ứng nhu cầu tinh thần, sức khỏe của người dân. Những điều tốt đẹp đó vẫn đang tiếp tục được phát huy ở Hà Nội.

KTS Vũ Hiệp, nghiên cứu sinh về kiến trúc xã hội chủ nghĩa tại ĐHQG Hà Nội


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.