Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 12.8, một số lãnh đạo sở GD-ĐT ở các địa phương "quá tải" về quy mô trường lớp đã có những đề xuất bổ sung nhân lực, "nới" quy định về trường chuẩn quốc gia phù hợp hơn.
Nhiều kiến nghị đã được nêu tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT |
NGUYỄN MẠNH |
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bày tỏ Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó.
Điều này gây khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, chẳng hạn như với một số trường chuyên, một số trường trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những trường có 45 lớp học trở lên. Số trường này chiếm tỷ lệ rất lớn trong các cơ sở giáo dục ở Hà Nội.
Do chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng, các trường này gặp khó khăn trong hoạt động. “Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 phó hiệu trưởng”, ông Cương đề xuất.
Liên quan đến vấn đề đội ngũ, ông Cương kiến nghị Chính phủ ban hành quy định về việc ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng đối với nhân viên chuyên môn trong các trường học như kế toán, y tế, nhân viên thiết bị, văn thư, tâm lý học đường… Do hiện nay Chính phủ chưa cho phép ký hợp đồng lao động với đối tượng này.
Kiến nghị cơ chế đặc thù về trường chuẩn quốc gia
Ông Trần Thế Cương cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định trường chuẩn quốc gia. Kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với một số bộ ngành T.Ư xem xét để cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì tính diện tích đất sử dụng/học sinh. Cho phép nâng cao tầng trong khối xây dựng, được sử dụng các tầng hầm, dựa trên các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho học sinh, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc trên các tầng cao.
Liên quan tới quy định về trường chuẩn quốc gia, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng. Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh đối với một số địa phương có dân số tăng cơ học quá nhanh.
Theo bà Hằng, nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương ngày càng tăng số học sinh. Điều này tạo áp lực vể quy mô cho các trường học trên địa bàn, số học sinh/lớp tăng, quy mô lớp học tăng.
Bình luận (0)