Hà Nội đề xuất tiếp tục đào tạo và mở rộng hệ song bằng cấp THPT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/01/2023 16:32 GMT+7

Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất UBND thành phố phê duyệt đề án thực hiện cho những năm tiếp theo và mở rộng quy mô lớp song bằng tại 2 trường THPT là chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An.

Sáng 6.1, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài cấp THPT.

Khai giảng hệ song bằng tú tài khóa đầu tiên tại Trường THPT Chu Văn An

t.n

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ năm học 2017 - 2018, thành phố thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A Level) tại Trường THPT Chu Văn An.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có thêm 7 trường triển khai chương trình, gồm: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (ở cả 2 khối THCS và THPT) và 6 trường THCS, gồm: Chu Văn An (Q.Tây Hồ), Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm), Ngô Sĩ Liên (Q.Hoàn Kiếm), Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân), Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy), Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy).

Tháng 3.2022, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm chương trình này. Ngày 9.6.2022, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định kéo dài thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An đến hết năm học 2022 - 2023.

Từ năm học 2021 - 2022, Hà Nội không tổ chức tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng. Hiện tại, đề án đào tạo song bằng tại cấp THCS còn hai khóa học sinh.

2 trường THPT (chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An) sẽ kết thúc thí điểm vào năm học 2023 - 2024.

Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định, học sinh tham gia đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức và năng lực tiếng Anh, tư duy và kỹ năng. 100% số học sinh đã và đang theo học đều có kết quả học lực giỏi và hạnh kiểm tốt.

Dù vậy, công tác triển khai ở các trường còn gặp một số khó khăn như: thiếu giáo viên; khó tuyển chọn giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và yêu cầu chuyên môn; cơ sở vật chất của các trường nhìn chung chưa đạt chuẩn theo quy định…

Một khó khăn khác nữa là: năm học 2021 - 2022, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 2 trường THPT là chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An không mở rộng, trong khi nguyện vọng được tiếp tục theo học chương trình của học sinh THCS nhiều. Cụ thể, có 100 em trong tổng số 350 học sinh THCS được tuyển chọn tiếp tục theo học cấp THPT.

Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất UBND thành phố phê duyệt đề án thực hiện cho những năm tiếp theo và mở rộng quy mô lớp song bằng tại 2 trường THPT là chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An; xem xét, phê duyệt cơ cấu, chế độ chính sách các nhân sự liên quan; có kế hoạch bảo đảm nguồn giáo viên và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…

Bộ GD-ĐT đề nghị rà soát, đánh giá toàn diện

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, đây là chương trình khó nhưng thời gian qua triển khai tốt, có những kết quả ấn tượng.

Nhấn mạnh giáo dục có 3 chức năng là phát triển xã hội, phục vụ xã hội và phúc lợi xã hội, ông Độ cho rằng Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài cấp THPT chính là đáp ứng yêu cầu của xã hội và phần lớn đều mong muốn đề án được tiếp tục kéo dài.

Ông Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội phải rà soát lại toàn bộ chương trình, gồm chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình Cambridge để có chương trình chung phù hợp với mục tiêu đặt ra của đề án.

Sở GD-ĐT cũng phải sớm hoàn thiện đánh giá toàn bộ nội dung của đề án đã được triển khai trong thời gian qua, bao gồm cả những kết quả đạt được cũng như chưa đạt được để trình lên các cấp, tham mưu tiếp tục đề án.

Thứ trưởng Độ đề nghị, song song với việc đào tạo hệ song bằng, phải bồi dưỡng giáo viên và cố gắng đào tạo nhân sự tại chỗ, giúp đội ngũ nâng cao năng lực cũng như lan tỏa sang các lớp không phải song bằng để tiếp cận với chương trình quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.