Tại một số cơ quan thuộc Bộ VH-TT-DL như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam bên hồ Gươm và Nhà hát Múa rối T.Ư trên đường Trường Chinh (Hà Nội), các buổi biểu diễn vẫn được tổ chức chiều tối 16.9. Những đơn vị này không phải là đối tượng trong chỉ đạo dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đưa ra ngày 14.9.
Theo chỉ đạo này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trực thuộc, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do thành phố, các đơn vị trực thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức từ ngày 14 - 17.9.
Việc tạm dừng này là để chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát của các gia đình trong vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tối 12.9 tại phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), làm 56 người chết và 37 người bị thương.
Cũng theo chỉ đạo này của TP.Hà Nội, các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở, vào lúc 8 giờ ngày 18.9 đồng loạt tổ chức 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy.
Không thể nói việc các nhà hát đóng trên địa bàn Hà Nội có các buổi biểu diễn bán vé thu tiền là sai, là vi phạm quy định nêu trên của TP.Hà Nội, nhưng việc này khiến nhiều người thấy phản cảm.
PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên vì người Việt mình vẫn có câu "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".
"Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì "cả tàu" không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên", PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Về việc đã có những chương trình vui chơi, ca múa mà du khách nước ngoài đã đặt lịch từ trước, ông Kỷ cho rằng: "Vẫn có thể thông báo với các bạn việc đón và phục vụ các bạn chúng tôi đã chuẩn bị, nhưng ở Hà Nội đang có một một vụ cháy thảm khốc, nhiều người chết và bị thương, ở Lào Cai cũng có vụ thiên tai lớn gây chết người và phá hủy nhiều nhà cửa, mong các bạn chia sẻ và cho phép chúng tôi lược bỏ những phân cảnh, những âm thanh quá vui vẻ, quá tưng bừng. Nếu mình nói như thế, tha thiết đề nghị như thế, chắc chắn không ai nỡ phản đối, nỡ trách cứ các nhà tổ chức các buổi diễn. Tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại vốn là hằng số chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới".
PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, Bộ VH-TT-DL nên chủ động từ rất sớm dừng các chương trình biểu diễn có tính chất hát hò, vui chơi quá tưng bừng trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.
"Đã làm trong Bộ VH-TT-DL thì phải ý thức được mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Các cụ ta từ xưa đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể. Có những việc xét về pháp lý có thể không sai, nhưng xét về về văn hóa, về tình người lại không thể chấp nhận được", PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 17.9
Bình luận (0)