Hà Nội: Gia đình liệt sĩ hơn nửa thế kỷ ròng rã đòi đất cha ông

Lê Quân
Lê Quân
24/09/2021 16:33 GMT+7

56 năm qua, một gia đình có liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở trung tâm TP.Hà Nội đã gửi đơn đi nhiều nơi đòi quyền sử dụng đất tại 85 Tôn Đức Thắng (P.Hàng Bột, Q.Đống Đa, Hà Nội).

Thuê đất 5 năm, hơn 50 năm chưa trả

Phản ánh đến Thanh Niên, ông Lê Xuân Thông (trú tại số 7, ngách 53, hẻm 53/9, phố Tôn Đức Thắng, P.Hàng Bột, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội), là đại diện gia đình kể trên, cho biết đã 56 năm qua, cả nhà ông đã gõ cửa rất nhiều cơ quan, ban, ngành TP.Hà Nội và Chính phủ, mong đòi lại mảnh đất 1.030 m2 cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1, tiền thân của Công ty CP Dược phẩm T.Ư 1 (Pharbaco) thuê với thời hạn 5 năm, nhưng hơn 50 năm qua chưa trả lại.
Theo đơn của ông Thông, năm 1956, gia đình được Ủy ban hành chính TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất tại xã Văn Chương, quận 4, nay là số 85 phố Tôn Đức Thắng, P.Hàng Bột, Q.Đống Đa.
Đến năm 1960, đại diện gia đình là cụ Lê Đình Tuân (sinh năm 1907) đã ký hợp đồng cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 thuê thửa đất 1.030 m2 (là một phần khu đất của gia đình) liền kề xí nghiệp để làm mặt bằng sản xuất, thời hạn thuê là 5 năm tính từ ngày 1.2.1960. Trong nội dung hợp đồng cho thuê đất có điều kiện kèm theo là phải giải quyết việc làm cho gia đình vì đã nhường đất cho xí nghiệp sử dụng nên ảnh hưởng cuộc sống.
Cũng theo ông Thông, hợp đồng thuê đất được Ban Hành chính khu Đống Đa xác nhận, khi đó, gia đình cụ Tuân là thành phần bần nông, sớm tham gia và có công với cách mạng. Cụ Tuân được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Độc lập hạng ba vào năm 1959. Cụ Tuân còn có người con cả là Lê Đình Sinh, năm 1946 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
Những căn cứ này đều được Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Sở TN-MT Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội thẩm định và có ý kiến bằng văn bản rằng dựa vào đó nên diện tích 1.030 m2 đất cho xí nghiệp thuê không thuộc diện Nhà nước tiến hành cải tạo, quản lý khi thực hiện Thông tư số 73/TTg năm 1962 và Thông tư số 10/TTg năm 1963. Gia đình cụ Tuân vẫn thực hiện đóng thuế đất nông nghiệp đến năm 1973 và đến nay vẫn giữ được biên lai nộp thuế.

Ròng rã nhiều năm qua, ông Thông và gia đình gõ cửa nhiều cơ quan, ban, ngành để được trả lại đất cha ông

Lê Quân

“Sau khi cho thuê khu đất, gia đình tôi vẫn sinh sống ngay bên cạnh. Hết hạn thuê đất vào năm 1965, cụ Tuân đòi đất nhưng Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 không trả đất, và không trả tiền thuê nên gia đình đã có đơn gửi đến các cơ quan của TP.Hà Nội đề nghị giải quyết. Từ đó đến nay, đã 56 năm, các thế hệ gia đình tôi đã thay nhau gõ cửa các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội, các bộ, ngành, Chính phủ để mong được trả lại mảnh đất cha ông, nhưng đến nay vẫn vô vọng”, ông Thông than thở.
Cũng theo ông Thông, năm 1994, gia đình tiếp tục gửi đơn thì được Phòng Chính sách thuộc Sở Nhà đất Hà Nội dẫn văn bản của Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 gửi trả lời thừa nhận có thuê 1.030 m2 đất của cụ Tuân vào năm 1960, có hợp đồng được cơ quan nhà nước xác nhận. Tuy nhiên, lý do không trả lại đất là trong thời gian sử dụng đất thuê thì Chính phủ có Thông tư số 73/TTg năm 1962 và Thông tư số 10/TTg năm 1963 mang nội dung Nhà nước sẽ quản lý đất tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị.
Theo tài liệu Thanh Niên thu thập được, ngày 30.11.2000, UBND TP.Hà Nội lại có các quyết định cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 chuyển mục đích sử dụng 4.601 m2 sang đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên và chuyển 4.546 m2 đất thành đất xây dựng văn phòng, khu vui chơi, trong đó có phần đất đã thuê của cụ Tuân.
Đến năm 2010, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Pharbaco (tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1) di dời cơ sở sản xuất, hợp tác với doanh nghiệp khác, lập dự án nhà ở tại 85 Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được vì khu đất chưa được TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch và ô đất có khiếu nại của gia đình các con cháu cụ Tuân chưa được giải quyết.
“Công cuộc đòi lại đất cha ông của gia đình có công với cách mạng, có liệt sĩ chúng tôi trải qua hơn nửa thế kỷ, đã gõ cửa đưa đơn đến nhiều cơ quan chức năng: Sở TN-MT Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, Thanh tra TP.Hà Nội; Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ… Từ 2014 đến nay, nhiều cơ quan Nhà nước đã vào cuộc, làm rõ, công nhận sự thật cụ Tuân cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1, tiền thân của Pharbaco, thuê đất nhưng đến lúc mất chưa đòi lại được, uỷ quyền lại cho con cháu chúng tôi tiếp tục đòi. Gần đây nhất là Thanh tra Chính phủ đã báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vụ việc”, ông Thông nói.

Theo ông Thông, phần đất của gia đình cho thuê đang được Pharbaco sử dụng làm sân tennis, bãi đậu xe ô tô

Lê Quân

Trong khi đó, theo biên bản làm việc với Bộ TN-MT, đại diện Pharbaco đã thừa nhận, diện tích đất của gia đình cụ Tuân cho thuê năm 1960 hiện nằm trong khu đất Pharbaco quản lý, sử dụng tại số 85 Tôn Đức Thắng, Q.Đống Đa. Pharbaco đã có văn bản đề nghị bàn giao cho doanh nghiệp liên doanh lập dự án nhà ở.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc, công nhận quyền sử dụng 1.030 m2 đất cho gia đình ông Lê Xuân Thông

Theo văn bản 857 do ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ký gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28.5.2021, nêu rõ TP.Hà Nội đã cấp đất cho gia đình cụ Tuân vào năm 1956, vẫn đóng thuế đất đến năm 1973, có biên lai.
Năm 1960, cụ Tuân cho thuê đất, hết thời hạn thuê đất thì không ký thêm hợp đồng. Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 vẫn sử dụng 1.030 m2 đất từ 1960 đến nay. Năm 1976, một cơ quan Nhà nước là Cục Quản lý công trình công cộng xác nhận nguồn gốc khu vực đất Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 có một phần thửa đất của gia đình cụ Tuân…
Theo báo cáo, Thanh tra Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp cho rằng, khiếu nại của gia đình ông Lê Xuân Thông đòi lại quyền sử dụng 1.030 m2 đất đã cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 thuê từ năm 1960 là có cơ sở.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại nhiều năm theo hướng ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng 1.030 m2 đất hợp pháp cho gia đình ông Lê Xuân Thông.
Đồng thời, kiểm tra lại căn cứ pháp lý ban hành Quyết định số 6554/QĐ-UB và Quyết định số 6555/QĐ-UB cùng ngày 30.11.2000 về việc cho Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 1 chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Rà soát lại việc quản lý sử dụng đất có dấu hiệu sai mục đích của Pharbaco tại số 85 Tôn Đức Thắng để xử lý theo quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Hà Nội công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thông để giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài hơn 50 năm qua

Lê Quân

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ sai phạm của TP.Hà Nội là để khiếu nại của gia đình ông Lê Xuân Thông kéo dài nhiều năm nhưng không được chính quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đến năm 2013, UBND TP.Hà Nội mới giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét đơn khiếu nại.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Thanh tra TP.Hà Nội đã không chính xác khi cho rằng gia đình ông Lê Xuân Thông đề nghị trả lại quyền sử dụng 1.030 m2 là không có căn cứ. Trong khi đó, Sở TN-MT, Sở Tư pháp Hà Nội lại có quan điểm ngược lại. Việc xác minh không nhất quán giữa các cơ quan của TP.Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến khiếu nại kéo dài, phức tạp, vượt cấp.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra tồn tại là khi được Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết vụ việc nhưng UBND TP.Hà Nội lại không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền. Trái lại, UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản trả lời gia đình ông Lê Xuân Thông là việc đề nghị trả lại quyền sử dụng 1.030 m2 đất là không có căn cứ.
“Như vậy là không đúng với luật Khiếu nại, tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn đến vụ việc trở lên phức tạp, kéo dài, vượt cấp. Trách nhiệm thuộc UBND TP.Hà Nội qua các thời kỳ và các cơ quan tham mưu, cần kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật”, văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.