Về vấn đề sử dụng sổ liên lạc điện tử trong các trường học hiện nay, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội sử dụng eNetViet như một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu giáo dục của toàn ngành.
Ứng dụng các trường học đang sử dụng để điểm danh, báo bài |
Tuệ nguyễn |
Phần mềm này giúp hỗ trợ công tác điều hành của sở và phòng GD-ĐT, ban giám hiệu nhà trường và công tác chuyên môn của cán bộ giáo viên trong các trường học…
Tuy nhiên, chủ trương của Sở GD-ĐT Hà Nội là sử dụng ứng dụng eNetViet miễn phí và không bắt buộc. Phụ huynh chỉ cần tải app, đăng ký tài khoản bằng số điện thoại là có thể sử dụng.
Ngoài gói dịch vụ miễn phí, phụ huynh có thể tham khảo thêm gói mở rộng có thu phí với nhiều tiện ích, tính năng hơn. Việc đăng ký sử dụng gói mở rộng là hoàn toàn tự nguyện, dựa trên thỏa thuận giữa nhà cung cấp, nhà trường, phụ huynh học sinh.
Theo ông Tiến, khi sử dụng gói nâng cao có thu phí thì trước đó, nhà trường và cha mẹ học sinh phải phối hợp để thống nhất việc cung cấp thông tin hai chiều theo nhu cầu. Ví dụ, nếu sử dụng gói có thu phí thì chỉ áp dụng khi phụ huynh muốn phản hồi hoặc yêu cầu muốn nhận thông tin ra sao… để thống nhất các nội dung cần trao đổi mà phần mềm có thể giải quyết được.
"Nếu phụ huynh thấy không cần thiết và không muốn sử dụng, nhà trường không có quyền ép buộc phụ huynh sử dụng, công ty cung cấp phần mềm không có quyền ép nhà trường sử dụng dịch vụ sổ liên lạc thu phí", ông Tiến khẳng định.
Trong quá trình sử dụng, phụ huynh có thể trao đổi với nhà trường về việc cần bổ sung, cung cấp thêm thông tin gì. Quá trình sử dụng không hiệu quả phụ huynh cũng có thể phản hồi với nhà cung cấp để nâng cấp.
Có quyền "thôi" nếu không hiệu quả
Phụ huynh học sinh có quyền đăng ký hay không đăng ký sử dụng thêm dịch vụ sổ liên lạc điện tử thu phí. Khi phụ huynh đã đăng ký rồi cũng có quyền thôi sử dụng nếu cảm thấy không hiệu quả.
Về những thắc mắc của phụ huynh tại sao phải sử dụng sổ liên lạc điện tử trong khi có rất nhiều ứng dụng, nền tảng miễn phí, ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, những ứng dụng như mạng xã hội có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân hay xuất hiện các trường hợp giả mạo, không kiểm soát được người dùng.
“eNetViet là phầm mềm dùng chung với tính năng bảo mật rất cao. Phụ huynh chỉ cần tải về máy, đăng ký tài khoản theo số điện thoại là có thể sử dụng và không mất phí ở gói cơ bản nhưng đã có những thông tin rất thiết yếu hàng ngày”, ông Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, khảo sát trực tuyến về việc có nên tồn tại sổ liên lạc điện tử do Báo Thanh Niên thực hiện cho kết quả 89% phụ huynh học sinh chọn "không nên" nếu chỉ là điểm danh, báo bài và báo đóng tiền như hiện nay.
Từ đó, phụ huynh học sinh cho hay các ứng dụng, phần mềm khi đưa vào nhà trường phải làm sao để giáo viên, phụ huynh cùng học sinh thấy được lợi ích, sự ưu việt so với trước kia khi công nghệ chưa phát triển.
Còn nếu chỉ đơn thuần là báo bài và thông báo thì phụ huynh học sinh cho rằng hiện tại hầu như tất cả các lớp học đều có nhóm kết nối ứng dụng miễn phí như Zalo, Viber… Nên tận dụng các nhóm này để phụ huynh không phải đóng tiền "mua" sổ liên lạc điện tử một cách lãng phí.
Bình luận (0)