1. Tôi đến Hà Nội vào đầu tháng 10 theo lời mời của anh bạn làm cùng công ty trước đây, vốn là người Hà Nội. Anh bảo: “Ra Hà Nội đi. Cậu sẽ thấy những điều khác biệt”. Ừ thì, dù đã biết Hà Nội từ lâu nhưng cũng chỉ qua những trang văn, trang sử hay chuyện phiếm bên lề. Tôi thử “trót dại” một lần gặp gỡ người Tràng An, nhìn ba sáu phố phường, con đường đầy lá vàng rơi hay nồng hương hoa sữa…
Thời gian không đủ dài để tôi có thể đi, trải nghiệm và hiểu hết mảnh đất thủ đô ngàn năm văn vật. Như một gã hành khách vội vàng đi qua trên miền đất lạ và trong hành trình trở về phương Nam của mình, Hà Nội để lại trong tôi nhiều điều phải nghĩ.
2. Hà Nội đâu dễ tìm ra kiểu nói chuyện chân thành, có phần xởi lởi, thậm chí chỉ mới gặp nhau cũng có thể khoát cổ bá vai ra vỉa hè làm vài chai bia giải khát. Hà Nội dẫu đã quen rồi cũng lòng vòng rào trước đón sau.
Hà Nội đâu có cách phục vụ nhiệt tình, nhiều khi thủng thẳng ngồi đợi bạn bè tới mới gọi món ăn mà không ai khó chịu. Hà Nội đôi lần nhìn thấy khuôn mặt lạnh băng, lẻng xẻng tiếng khua nếu mình chậm chạp, chưa cần phải ghé “bún chửi, cháo mắng” mà nghe.
Ở Hà Nội, tôi gặp không ít người tự nhận mình là dân Hà Nội gốc, có ý xem thường dân tỉnh lẻ về đây hay người từ nơi khác đến như tôi. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, nhưng trong câu chuyện của họ không thiếu lời lẽ nặng nề, thậm chí chửi thề dù chỉ vô tình buộc miệng thốt ra. Người Hà Nội trong câu mời chào luôn có từ “ạ” đi kèm phía sau, hay dẫu nghèo đói đi vay cũng cần lịch sự, có phải bây giờ chỉ tìm thấy trong những trang văn?
|
Hà Nội cũng kẹt xe, cũng có những dòng người nhích từng chút một trên đường, cũng khói bụi ngập trời. Hà Nội cũng công trình dở dang, lam nham biến dạng như ở bất cứ thành phố lớn nào của nước ta. Nhưng Hà Nội là cái nôi văn hóa của cả nước, là đất ngàn năm văn hiến với rất nhiều di sản nên đôi khi mình kỳ vọng nhiều lại đâm ra thất vọng nhiều hơn.
Vậy đó, nếu chỉ nghĩ đến những cái xấu, cái tệ thì Hà Nội đáng ghét biết bao nhiêu. Thế nhưng...
3. Cũng ở Hà Nội, tôi thấy những con người thật dễ thương mà điển hình là anh bạn của tôi. Anh nhiệt tình đưa tôi đi khắp chốn cho dù mình bận rộn. Anh bảo: “Cậu lần đầu ra Hà Nội, coi chừng bị chặt chém”. Tôi cười bởi đâu riêng Hà Nội, nơi tôi sống cũng người tốt, kẻ xấu song hành và anh cũng là một trong những người Hà Nội tốt bụng đó thôi.
Đi trong Hà Nội ba sáu phố phường, nhìn những con đường nho nhỏ cắt ngang, chạy dọc như bàn cờ, những người trong phố cổ vẫn giữ cho mình những nét đặc trưng “rất Hà Nội”: ngọt ngào, nhẹ nhàng và thanh thoát. Tôi qua phố Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung,... thơm nồng hoa sữa, dạo bước Hồ Tây trong lãng đãng chiều tà hay đi ra cầu Long Biên huyền thoại ngắm cảnh sông Hồng về đêm. Hà Nội mang vẻ đẹp nồng nàn, da diết, đâu dễ gì quên.
Ngồi trên vỉa hè Hà Nội thưởng thức cốm làng Vòng, món bún cá cay giữa tiết trời se se lạnh trên những gánh hàng rong lại thấy ngon một cách lạ lùng. Hàng rong nơi nào cũng có, nhưng khi nhắc đến hàng rong nghĩ ngay Hà Nội như là nét văn hóa đặc trưng.
Và Hà Nội trong những ngày sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, không khó để nhận ra những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, khẩu trang miễn phí,... dành cho người nghèo. Hóa ra, “người Hà Nội keo kiệt” mà tôi từng được nghe rất nhiều nào đâu có phải. Dân mình vốn có truyền thống tương thân tương ái và người Hà Nội có nhiều lắm những bao dung.
Lại thấy có một Hà Nội rất khác, đáng yêu vô cùng
4. Ở bất cứ nơi đâu cũng có tốt và xấu, đáng yêu và đáng ghét chứ riêng gì Hà Nội. Chỉ mong trong tương lai, Hà Nội sẽ đổi thay để những cái xấu xí, đáng ghét kia “bay màu” biến mất. Hà Nội xứng đáng là thủ đô, là cái nôi văn hóa đại diện cho dải đất hình chữ S.
Nhưng với Hà Nội hiện tại, mình cứ bỏ ghét mà yêu, cố quên để nhớ, đến nhiều lại thương…
Hà Nội, tôi hẹn một ngày sẽ lại ghé mà thăm.
|
Bình luận (0)