Chiều 27.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 63 về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Hà Nội.
Một trong số 7 nội dung Chính phủ xin ý kiến Thường vu Quốc hội là việc giao cho Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của thành phố; đồng thời cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Theo tờ trình của Chính phủ, mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố Hà Nội quản lý không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, người trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Nghị quyết 86 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2020 quy định: các địa phương điều tiết về ngân sách T.Ư, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách T.Ư hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thành phố là địa phương không những luôn tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn (năm 2018 dự kiến dư khoảng 21.400 tỉ đồng; năm 2019 dư khoảng 28.300 tỉ đồng; năm 2020 dư khoảng 39.720 tỉ đồng).
Cũng theo ông Tuấn Anh, trong Nghị quyết 27 T.Ư XII cũng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã quy định: mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết, nếu Hà Nội thực hiện theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6.000 tỉ đồng - 7.000 tỉ đồng/năm.
Nên cân nhắc
Trong báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trình bày tại phiên họp, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, do trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Đề án cải cách tiền lương mới từ tháng 7.2021 để thực hiện Nghị quyết 27 của T.Ư về cải cách tiền lương. Vì vậy, tại thời điểm này không nên xem xét, điều chỉnh các chính sách tiền lương hiện hành.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong phần kết luận phiên thảo luận, cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, bởi từ ngày 1.1.2021 thì chính sách tiền lương sẽ thống nhất toàn quốc trong hệ thống chính trị, những nơi thí điểm cũng chỉ đến ngày 31.12.2020. Bên cạnh đó, thực tế việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm ở TP.HCM cũng cho thấy gặp nhiều khó khăn.
Từ phân tích trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại tờ trình và dự thảo nghị định để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một lần nữa tại phiên họp tháng 5 trước khi bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét quyết định.
Bình luận (0)