Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa dự hội nghị "Hà Nội 2017- Hợp tác đầu tư và phát triển" hôm 25.6. Ông đã đánh giá rất cao những gì Hà Nội đã và đang vươn mình tạo sự chuyển biến về nhiều mặt, đặc biệt là về cải cách hành chính, về tinh giản biên chế, về chính quyền điện tử và cải thiện môi trường đầu tư... trong thời gian gần đây.
Điều đó đã cho thấy rằng TP này thực sự đang là địa phương nổi bật nhất trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần của một Chính phủ hành động, liêm chính, xây dựng và kiến tạo mà Thủ tướng mong muốn.
Tôi nghĩ, có những chuyện đã rồi, nay có nói lại thì cũng chỉ là để biết, rút kinh nghiệm chứ đâu làm lại được. Song nghĩ cho kỹ thì cũng là bài học thú vị.
Chuyện 1.300 cây xà cừ trồng vào nửa đầu thập kỷ 90 ở thế kỷ trước tại đường Phạm Văn Đồng có lẽ cũng thế. Do tầm nhìn trong quy hoạch ngày đó còn hạn chế cho nên mới có ngót nghét 30 năm, nó đã cho thấy sự bất cập cần phải điều chỉnh. Đương nhiên, sự điều chỉnh sẽ phải trả giá đắt chỉ vì tầm nhìn trong quy hoạch có phần hơi ngắn. Chính vì "hơi ngắn" cho nên 1.300 cây xanh có độ tuổi "tam thập" năm nào lại làm khó cho những người kế nhiệm hôm nay phải xử lý và người dân thì không tán đồng sẻ chia.
Tôi đọc trên báo thì mới vỡ vạc thêm nhiều thông tin khi được nghe Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày trước cử tri Q.Hoàn Kiếm hôm 20.6 khi có người chất vấn. Từ câu chuyện mà Chủ tịch Chung giãi bày, tôi đã hiểu và có sự sẻ chia cùng người đứng đầu TP khi ông đang cùng tập thể lãnh đạo gồng mình đổi thay về nhiều mặt rất đáng khích lệ.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có những chia sẻ hết sức cởi mở, thẳng thắn và minh bạch về chuyện xử lý 1.300 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng để nhân dân cùng với lãnh đạo, "chúng ta cùng tính toán”.
Theo đó, ông giải thích như sau: Theo quy hoạch Thủ đô, có một đoạn đường thuộc vành đai 3. Nó kéo dài từ đầu cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Quy hoạch đường có từ năm 1992 và lẽ ra, khi có quy hoạch rồi thì không nên trồng cây vào giữa đường để bây giờ phải chặt. Nhưng thôi, bây giờ chuyện đã rồi. Số xà cừ này qua khảo sát cho thấy, trong 1.300 cây thì có những cây trồng trước khi xong cầu Thăng Long, gọi là "cổ thụ" vì đường kính cũng tới 80-100 cm, chủ yếu là những cây trồng mau; những cây có đường kính từ 35-40cm, thực ra là trồng từ năm 1991-1994, có độ tuổi từ 25-28 năm. Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều nhà khoa học, nhưng hôm nay tôi không nói vấn đề sẽ làm như thế nào. Tôi hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của các cử tri là cây nào thì để lại, cây nào thì đánh chuyển và cây nào thì chặt hạ. Nhưng tôi xin nêu với cử tri một số thông tin để trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta muốn làm gì thì cũng phải đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất là hiệu quả về kinh tế, làm sao để di chuyển, chặt hạ những cái cây này, khi làm dự án phải tính toán hiệu quả nhất về kinh tế. Thứ hai là tính toán nghiên cứu xem cây xà cừ này đánh chuyển xong thì trồng ở đâu, nó có sống được không, và hiệu quả kinh tế đem lại là gì? Thứ ba là Sở Xây dựng họp thông báo đúng vào cái hôm nắng nóng nhất trong 40 năm vừa qua, tạo ra cái bức xúc cho bà con, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm cái này.
Rồi Chủ tịch Chung cũng dẫn giải, phân tích thêm đại ý rằng, cây xà cừ 26-27 tuổi, đường kính 35-40cm, tới đây nếu chúng ta đánh đi thì trồng ở đâu? Trên địa bàn TP không có tuyến phố nào có thể trồng được những cây này vì khi chúng ta đánh lên, rễ của nó phải có đường kính 3m. Tới đây phải đào hố có đường kính 3,5m, ít nhất sâu cũng phải 1,5m thì mới cho cái cây vào trồng được. Chúng ta cũng phải có cọc cao 25m, và phải chống trong vòng 3-4 năm, những cái rễ này ăn sâu vào thì mới đỡ được, thì lúc đó mới sống được. Chúng ta đang khó khăn như thế này, đánh cây đi để bỏ ra mấy chục triệu đánh chuyển, rồi lại mất công chăm sóc những cái cây, rồi trồng ở đâu? Tôi khẳng định các cây này không thể trồng ở các tuyến phố được, mà chỉ có thể đem ra công viên. Chúng tôi cũng đã nghĩ, những cây nào có thể trồng được thì tới đây sẽ đem ra những bùng binh đường 5 kéo dài và đường Võ Nguyên Giáp có bùng binh rất rộng để trồng vào đó. Nhưng cũng chỉ trồng một tỷ lệ nhất định chứ không thể trồng toàn bộ là cây xà cừ, còn phải trồng hoa, trồng các loại cây khác...
Trước đây, khi Hà nội đốn hạ hàng chục cây xà cử ở đường Láng để làm đường sắt trên cao. Có lẽ tôi cũng như nhiều người dân yêu Hà Nội khác không khỏi bàng hoàng khi qua đây vì cảm thấy bị sốc nặng . Mặc dù tôi cũng hiểu, không thể có cái gì là hoàn hảo trong vấn đề quy hoạch giao thông đô thị mà không mất mát, thiệt hại chút nào.
Vấn đề là ở chỗ chúng ta cần tìm một giải pháp tối ưu nhất, giảm thiệt hại nhất. Muốn vậy càng cần phải có tầm nhìn xa hơn của người lãnh đạo...
Rồi một lần khác, khi Hà Nội chủ trương đốn cả chục ngàn cây xanh vì nhiều lý do. Lúc đó đã bị dư luận phản ứng cũng từ cách xử lý khủng hoảng truyền thông của chúng ta không khéo. Một vị lãnh đạo về tuyên giáo TP đã cho rằng "việc chặt cây thì không cần phải xin ý kiến nhân dân"... Thế là tình hình trở nên phức tạp.
Thực ra, việc đốn hạ cây của Hà Nội, tuy không công bố nhưng mỗi năm họ cũng phải đốn hàng ngàn cây vì nếu không, cây sâu, mục gây tai nạn mỗi khi gió bão về sẽ ra sao? Điều này đã cho thấy, cũng do cách xử lý truyền thông thiếu chặt chẽ, đủ đầy để dân không hiểu quả là một thiếu sót lớn và một khi đã không hiểu thì làm sao có thể chia sẻ với chính quyền?.
Thật là một bài học sâu sắc được rút ra!
Để tránh chuyện người dân bị hụt hẫng, thậm chí bức xúc khi hay tin nơi này, nơi kia sẽ đốn hạ cây xanh, một niềm tự hào đầy hãnh diện của TP được thế giới vinh danh là "TP xanh vì hòa bình" này. Tôi nghĩ Hà Nội rất nên có nhiều thông tin được lãnh đạo TP chia sẻ trước người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung dạng như thế này.
Theo cá nhân tôi, chỉ có cách trên, bằng sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với Đảng, với chính quyền thì hiệu quả trong công việc sẽ rất cao. Qua đó, ta có thể hiểu, chính quyền nếu càng tạo điều kiện để dân nắm bắt tình hình cụ thể tốt hơn thì sẽ được sự đồng tình của dân hơn khi chúng ta ban hành một quyết sách nào đó.
Bình luận (0)