Chiều 22.10, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Thành uỷ Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục và một số đại diện của UBND TP.Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã có mặt để thông tin tiếp về tình hình nước sạch.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề độc quyền cấp nước của Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) khiến công ty này không phải chịu áp lực cạnh tranh, dẫn tới chậm đổi mới công nghệ, ông Lê Văn Dục cho biết: "Nhà máy này đã đi vào vận hành 11 năm, và quả thật đối với công nghệ thế giới, 11 năm là cả vấn đề. Người ta phải đổi mới công nghệ rồi”.
Ông Dục cũng thừa nhận nếu cứ bám cứng vào việc nhà máy đang vận hành, chất lượng nước vẫn đảm bảo 109 tiêu chí theo QCVN 01:2009 thì không ổn.
“Đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TP đều yêu cầu đơn vị này phải bổ sung công nghệ. Không phải thay nhà máy, vì chưa chắc đã đủ kinh phí; nhưng thay thiết bị, dây chuyền công nghệ, thì hoàn toàn có đủ khả năng”, ông Dục nói, và cho biết sẽ “kiểm tra và thống nhất (về việc thay đổi thiết bị, dây chuyền - PV), khả năng thay được tối đa với nhà máy này”.
Riêng với việc bảo vệ hồ Đầm Bài, một số ý kiến cho rằng nên xây tường rào để ngăn cách hồ với các khu vực khác, nhưng theo ông Lê Văn Dục, hồ này rộng đến 16 triệu m2, lại sử dụng chung cho cả tưới tiêu, nên rất khó bảo vệ. Do đó, TP.Hà Nội đã có công văn yêu cầu tách phần nước thô bơm từ sông Đà vào để xử lý cấp nước cho Hà Nội ra, bảo vệ riêng, không “trộn chung” với nước tưới tiêu nữa.
Theo thông cáo báo chí của Hà Nội được Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP đọc tại buổi họp, Hà Nội đã yêu cầu Viwasupco kiểm tra toàn bộ quy trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà gồm: khu vực chứa trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước; chú ý đến khu vực hồ chứa nước mặt và rà soát lại thiết kế toàn bộ Nhà máy, trong đó, chú ý đến khu chứa nước đầu vào - cần xây dựng tách riêng, không sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay.
Lắp đặt quan trắc tự động cảnh báo ở từng khâu...
Riêng về câu hỏi “có để Viwasupco tiếp tục cấp nước không”, ông Dục cười trước khi trả lời: “Dự án này 5, 7 lần được Chính phủ phê duyệt, là công trình cấp đặc biệt. Sau 11 năm vận hành thì có sự cố này, phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố tương tự - như các đồng chí nói: chất độc hơn thì sao? Bây giờ mới có tí thế này thôi mà đã thế. Ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm”.
Theo ông Dục, một trong những giải pháp quan trọng là lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, để những chỉ số bất thường phải quan trắc được, báo về Trung tâm kiểm nghiệm môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội hàng ngày.
Được biết, Hà Nội sẽ kiểm tra, đề xuất các vị trí quan trắc, có thể từ đầu nguồn, giữa trạm bơm tăng áp, đến công ty phân phối, quy rõ trách nhiệm người sản xuất, phân phối, người sử dụng để quy rõ trách nhiệm.
“Bắt buộc phải có thiết bị cảnh báo tự động, nếu một chỉ tiêu vượt quá thì trước khi vào nhà máy nó đã cảnh báo để nước thô không vào. Nếu vào được nhà máy thì cảnh báo ngay tại đầu trạm bơm 2 và bể chứa, cảnh báo về đến đồng hồ tổng của ông sản xuất bán cho ông phân phối, xong cảnh báo từ ông phân phối bán cho nhà dân. Thì tất cả phải cảnh báo: từ vị trí, tiêu chí, tần suất, thời gian cảnh báo… là những cái rất cần thiết. Thời buổi khoa học công nghệ rồi, ngành nước trên thế giới có cái gì chúng ta sẽ mua áp dụng tối đa, trừ khi bằng kim cương, giá nước không thể đáp ứng được thì chịu. Còn bây giờ, chắc chắn cái gì hiện đại nhất về cảnh báo ta sẽ yêu cầu các đơn vị lắp đặt”, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.
Cho biết hiện có 4 hướng nước mặt cấp cho Hà Nội, trong đó 2 hướng lấy nguồn từ sông Đà (một từ Ba Vì về, một theo hướng Viwasupco đang cấp), sông Đuống và sông Hồng (sắp tới có thêm nguồn từ hợp phần Xuân Mai), ông Lê Văn Dục khẳng định Hà Nội sẽ kết cấu hệ thống cấp nước theo mạch vòng, chỗ này sự cố thì đưa nước chỗ khác về.
Tuy nhiên, theo ông Dục, việc bảo vệ an ninh nguồn nước thì chỉ Hà Nội không làm được, vì nguồn nước nằm trên địa bàn nhiều tỉnh khác. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Bình luận (0)