Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, TP.HCM phải ưu tiên đầu tư vận tải đô thị và coi đó là chiến lược quan trọng, là giải pháp đi lại bền vững và hiệu quả cho quy mô thành phố đông dân như hiện nay. Khảo sát cho thấy, các phương tiện đi lại công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 9%, rất thấp so với nhu cầu và quy mô của một đô thị như TP.HCM.
Theo vị này, hằng năm, TP.HCM cũng thất thoát hàng tỉ USD vì đường sá ùn tắc; riêng thủ đô Hà Nội, nạn ùn tắc giao thông khiến thành phố này mất 1,2 tỉ USD mỗi năm.
NGỌC DƯƠNG |
Ùn tắc nghiêm trọng ở các đô thị lớn tại Việt Nam |
Hội thảo được sự hỗ trợ từ phía Thụy Sĩ, đồng tổ chức với WB tại Việt Nam và UBND TP.HCM.
Ông Shige Sakaki, điều phối viên Chương trình Giao thông (WB tại Việt Nam), đồng chủ nhiệm Cộng đồng chuyên gia về TOD (Transit-Oriented Development - Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), trong bài trình bày về TOD để phát triển bền vững vận tải hành khách khối lượng lớn, cho rằng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng nhanh trong 10 năm qua. Trong đó, phát thải khí từ lĩnh vực giao thông vận tải là lớn nhất, do lượng xe gắn máy cá nhân tại Việt Nam quá lớn. Khảo sát phân tích cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2030, lượng khí phát thải từ lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam tăng hơn gấp 3 lần. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) 2021.
Từ đó, chuyên gia này đề xuất phát triển TOD giao thông công cộng là chủ yếu, đi bộ và đi xe đạp là hình thức giao thông chính. Muốn vậy, cần có chiến lược "đẩy và kéo". Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bằng hình thức tăng thuế, giảm đi xe gắn máy, xe vào khu vực trung tâm phải trả phí... Khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, có hạ tầng giao thông công cộng tốt và nhiền hơn nữa...
Ngoài ra, tại hội thảo, ông Bùi Xuân Nguyện - Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng thông tin về chiến lược thực hiện TOD cho tuyến metro 5.2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới). Trong phần trình bày, ông Nguyện cũng dẫn số liệu của Bộ Xây dựng năm 2021 cho rằng, tuy TP.HCM là trung tâm kinh tế đầu tàu của khu vực phía nam và cả nước, song kinh phí đầu tư cho hạ tầng của TP hằng năm rất khiêm tốn, chỉ được phê duyện khoảng 30.000 tỉ đồng. Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 Quốc hội xác định tổng vốn đầu tư là 2.870 tỉ đồng, tuy nhiên, thống kê thực tế trên hệ thống thông tin quốc gia cho thấy nhu cầu đầu tư phải là 3.900 tỉ đồng...
Tại hội thảo, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đưa ra một số phương án tài trợ để phát triển đường sắt, giao thông công cộng cho các tuyến đường metro kế tiếp.
Bình luận (0)