Hà Nội tuyên truyền không ăn thịt chó: Những ý kiến tranh luận trái ngược nhau

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/09/2018 10:02 GMT+7

Việc Hà Nội tuyên truyền người dân không ăn thịt chó đã kéo theo nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nếu phe ủng hộ cho rằng “cần phải văn minh hơn” thì người “phản pháo” đặt câu hỏi “có phải làm ảnh hưởng đa dạng văn hóa”.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, anh Lee Won Suk (sống ở Seoul, Hàn Quốc), cho biết: “Ăn thịt chó hiện không phổ biến nữa. Ở Hàn Quốc, nhiều người xem chó là thành viên trong gia đình và chúng tôi không ăn thường xuyên hay công khai như trước kia”.
[VIDEO] Cấm ăn thịt chó - Bạn nghĩ sao?
Theo anh Lee, chính phủ Hàn Quốc cần phải kêu gọi xóa bỏ những tập quán xưa cũ để không gây phản cảm đối với người nước ngoài khi đến Hàn Quốc.
Cũng chia sẻ quan điểm này, anh Kim Hwi Jin, hiện đang làm việc cho Ngân hàng Shinhan chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Số người ăn thịt chó ở Hàn Quốc giờ không còn nhiều như trước nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm các quán bán thịt chó. Phần lớn bạn bè hay người thân của tôi và những người tôi biết đều cảm thấy xấu hổ khi ăn thịt chó”.
Cứ để người ta kinh doanh thịt chó, nấu thịt chó
“Văn bản này chắc là ảnh hưởng cách nghĩ phương Tây rồi”, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Nhã, Viện nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam cho biết.
Ông giải thích: “Tôi nghĩ là không nên ăn chó becgie hay chó Nhật nhưng chó ta thì nó khác. Người Hàn cũng thích ăn thịt chó và cấm họ cũng khó. Các cụ ngày xưa nói đã nói Sống trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không. Theo tôi, người Việt có cách ăn và nấu thịt chó rất ngon. Mỗi nước có cách khác nhau do hoàn cảnh khác nhau, chó cũng khác nhau. Cho nên nếu nuôi chó becgie hay chó Nhật thì nói thế đúng. Nhưng các cụ nuôi chó ta lại khác”.
Thịt chó bày bán tại chợ Thành Công, Hà Nội Phạm Hùng
Theo ông Nguyễn Nhã, nếu kiểm soát được chất lượng thực phẩm thịt chó thì hoàn toàn cứ để người ta kinh doanh thịt chó, nấu thịt chó. “Phải tăng cường kiểm dịch chứ không phải vận động bỏ ăn thịt chó”, ông nói.

Văn hóa cộng đồng cần tôn trọng

Có ý kiến không đồng tình với việc tuyên truyền không ăn thịt chó bởi theo họ, nên để người dân tự quyết định ăn gì.
Nghiên cứu sinh Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Có phải ăn thịt chó mèo ở Hà Nội đã phản cảm đến mức khách du lịch thấy không ổn không. Cái đó là mình cảm nhận thôi chứ nó không phải vấn đề lớn. Nếu kê ra những món khách du lịch thấy sợ thì nhiều: tiết canh, lòng mề, trứng vịt lộn, các loại nội tạng. Mà thông thường thịt chó thịt mèo khi nó đã lên mâm thì trông có phản cảm không. Tiết canh lên mâm trông còn phản cảm hơn nhiều. Nó vẫn bán trong dân đấy.
Anh Lê Anh đặt ra câu hỏi về việc tuyên truyền người dân không ăn thịt chó: “Có phải đang vi phạm đa dạng văn hóa không?”
“Cái này thực ra cũng đáng lo ngại. Chính vì tôn trọng tự do về mặt phát ngôn thì chúng ta lắng nghe thêm ý kiến của những nhóm xã hội khác mà họ có sự không thích nghi với việc ăn thịt động vật nuôi như chó mèo. Họ cho rằng nó gần gũi. Nhưng đó cũng chỉ là lắng nghe về mặt tiếng nói thôi. Thậm chí có những tổ chức trên thế giới và có chi nhánh ở Việt Nam cũng liên tục kêu gọi việc dừng ăn thịt chó hay mèo. Nhưng đó chỉ là sự tôn trọng thôi. Còn văn hóa của các cộng đồng thì họ vẫn giữ quan điểm của họ”, anh cho biết.
“Giả sử mình sang Campuchia mình bảo người dân ở đó đừng ăn côn trùng đi. Nó có thể gợi lại thời kỳ đau khổ họ phải ăn côn trùng để có thêm protein. Nhưng người ta vẫn ăn. Người ta vẫn bán, không phải cho khách du lịch đâu nhé, cho người ta thôi. Nếu khách du lịch đến chỗ bán đó, tỏ ra dè bỉu chê bai là người ta tỏ thái độ luôn nhé. Tôi là người làm du lịch, tôi đi, và tôi thấy rõ như thế”, anh cho biết. “Nên người dân Campuchia ở chợ côn trùng họ rất khái tính trong việc bán hàng. Không mặc cả. Và bạn ăn được không, ăn thì mua, còn không thì không chỉ trỏ linh tinh hay ríu rít cười cợt chúng tôi”.
Theo anh Lê Anh, nếu xét ở góc độ dịch tễ thì phải cần có có một biến cố lớn trong cộng đồng. “Nếu cúm gà người ta sẽ triệt hạ con gà trong một thời gian. Nhưng không có cúm chó nào, hay cũng chưa có gì nguy hại đến mức người ta phải bỏ thịt chó ra ngoài bữa ăn của con người cả. Con chó trong trường hợp này chính là văn hóa trong cộng đồng, chứ không phải phần nông nghiệp là phần trội. Hơn nữa, nó cũng có phải là động vật hoang dã đâu…”, anh nói. 
“Phải tăng cường kiểm dịch chứ không phải vận động bỏ ăn thịt chó”, ông Nguyễn Nhã cho biết Phạm Hùng
Cùng quan điểm này với anh Lê Anh là bà Nguyễn Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội. Bà Minh Hạnh cho biết: “Ăn thế nào thì là quyền của người ta chứ. Nó là ẩm thực. Mình sang nước này chẳng hạn như Hàn Quốc người ta ăn thịt chó, nếu mình không ăn thì không ăn thôi chứ làm sao bắt người ta không được có món đó”
Trong khi đó, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: “Việc vận động từ bỏ thói quen ăn thịt chó chắc chắn là không liên quan gì đến Sở VH-TT. Chúng tôi không tham mưu văn bản này”.
Vận động để người dân thay đổi dần dễ được ủng hộ
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Có lẽ văn bản này được làm theo hướng theo hướng vì những con vật đó thân thiết với con người hơn, biết biểu hiện tình cảm. Nếu nghĩ ở góc độ đó thì cũng có cái hợp lý. Để phù hợp xu thế chung, trong quá trình xây dựng nếp sống nên nghiên cứu xu hướng chung một vài nước cạnh mình. Người ta vẫn ăn và vẫn tuyên truyền người dân ít ăn đi, và nhìn từ góc độ con vật đó quá thân thiện. Thông điệp đó để để định hướng lối sống”.
Bà nói thêm: “Tôi nghĩ việc vận động này dễ được ủng hộ. Vì chó mèo giờ cũng đang có xu hướng nuôi những loại đắt tiền. Nó như người bạn. Xã hội thay vì chỉ cắm mặt vào TV, iPad thì trẻ con quan tâm đến con vật cũng sẽ nhân văn hơn”.
Theo bà Thu Hương, điều chú trọng khi tuyên truyền vận động là nên sử dụng những cách mềm mại. Bà ví dụ: “Ở làng xã thì có thể đưa vào hương ước chẳng hạn. Hương ước thì không phải quy phạm nữa, chỉ là quy tắc cộng đồng. Hoặc chỉ tuyên truyền gợi mở để người dân thay đổi. Chứ còn đưa vào quy phạm thì sẽ cứng nhắc. Nếu ở làng vận động được thì ổn, như một quy ước cộng đồng”.
TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cũng chia sẻ một quan điểm tương đồng. Theo bà Minh Lý, “những tập tục có thể thay đổi theo nhu cầu cuộc sống. Khi chúng ta chung sống với những cộng đồng không có thói quen như thế thì việc thay đổi là nên. Mình có thể tự thay đổi những cái ảnh hưởng tới cộng đồng khác. Họ không cấm là được”.
Bà Minh Lý cho biết bản thân bà không ăn thịt chó vì tôn trọng các cộng đồng khác, giống như việc bà không ăn thịt heo khi ngồi mâm cơm với một người Hồi giáo. “Người ta không ăn mà mình chén tì tì thế thì còn gì là hợp tác quốc tế với giao lưu nữa”, bà nói.
“Kêu gọi không nên ăn thịt chó vì cộng đồng khác họ thấy phản cảm thì cũng bình thường thôi. Tôi đi sang các nước Ả Rập, họ nói rất rõ rằng họ tôn trọng các nền văn hóa khác nhưng sẽ là tốt hơn nếu bạn ăn mặc kín đáo. Thế thì tự mình phải biết ăn mặc kín đáo. Hoặc khi mình vào khách sạn thì họ vẫn phục vụ thịt heo nhưng họ lấy cái lồng bàn kín họ đậy món đó. Để cho khách cũng hiểu. Cả hai bên đều thấy thoải mái”, bà kể.
Theo bà, chính quyền cũng có thể vận động quán thịt chó đừng treo con chó lủng lẳng như hiện nay.
Hẻm thịt chó trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) Ngọc Dương
Còn chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long (Viện nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) thì cho rằng cấm ăn thịt chó là hợp lý bởi “người nước ngoài rất sợ người Việt ăn thịt chó vì nó là động vật gần gũi với con người. Hơn nữa, nguy cơ dịch bệnh cũng rất lớn”.
Xét về khía cạnh ẩm thực, ông Thành Long cho biết: “Nếu không nấu thịt chó nữa, dùng cách nấu thịt chó để nấu món khác cũng được chứ có gì đâu. Chẳng hạn như dê và một số con khác cũng được nấu bằng kỹ thuật nấu thịt chó. Mình làm cho văn minh hơn, tốt hơn”.

Nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới kêu gọi luật cấm tiêu thụ thịt chó

Chuyện Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm giết mổ chó và mèo để lấy thịt ngày 13.9 như tiếp thêm sức cho các tổ chức bảo vệ động vật khắp thế giới vốn đang thực hiện nhiều chiến dịch mạnh mẽ, kêu gọi các nhà làm luật tiếp bước Hạ viện Mỹ.

Từ Mỹ, Anh

Những người ủng hộ mong muốn Thượng viện Mỹ sẽ sớm thông qua luật cấm giết mổ, buôn bán thịt chó mèo. Anh Kike Yuen, người điều hành dự án của tổ chức World Dog Alliance (WDA), cho biết đây là tín hiệu vui cho những nỗ lực không mệt mỏi của WDA. WDA, có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc) là tổ chức đầu tiên và duy nhất trên thế giới được thành lập nhằm thúc đẩy việc ban hành luật cấm tiêu thụ thịt chó. “Một trong những lý do chúng tôi muốn quốc hội Mỹ thông qua luật này là vì vẫn còn những người nhập cư châu Á duy trì thói quen ăn thịt chó”.

Trong khi đó, lá cờ đầu trong “phong trào” này ở Anh là nghị sĩ Lisa Cameron. Tiến sĩ Cameron hiện là chủ tịch nhóm All-party Parliamentary Dog Advisory Welfare Group (APPG), lập ra năm 2017, quy tụ nghị sĩ các đảng khác nhau để thảo luận các hoạt động luật pháp liên quan đến chó và những người nuôi chó.

Hiện nay, luật ở Anh không cho phép mua bán thịt chó nhưng nếu bạn giết con chó bạn đang nuôi một cách nhân đạo thì bạn được phép ăn. Bà Cameron cho biết APPG và nhiều tổ chức khác mong muốn các nhà làm luật của Anh thực hiện một bước tiến xa hơn nữa, là thông qua luật cấm ăn thịt chó. “Tôi không nghĩ rằng sẽ có đảng nào ở Quốc hội Anh lại chống đối việc này”. Bà Cameron còn khuyến cáo rằng việc tiêu thụ thịt chó ở Anh đang tăng lên dù không có con số chính xác.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng quyết định này ở Mỹ. Anh là một đất nước của những người yêu động vật và chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng những tiêu chuẩn cao nhất về quyền lợi động vật của thế giới.

Bà Wendy Higgins, người phát ngôn của tổ chức Humane Society International, lại cho rằng họ không muốn gây hoang mang dư luận với các hoạt động của mình. “Tôi không muốn người khác nghĩ rằng xu hướng ăn thịt chó đang tăng ở Anh cũng như không muốn dư luận cho rằng điều này có liên quan đến cộng đồng người châu Á ở Anh”, BBC dẫn lời bà Higgins.

Đến Hàn Quốc, Trung Quốc

Còn ở châu Á, tổ chức Humane Society International cũng đang kêu gọi chấm dứt việc buôn bán thịt chó ở Indonesia, Trung Quốc và Hàn Quốc. “Phần lớn người dân khắp châu Á đang đoàn kết trong nỗ lực chấm dứt việc buôn bán thịt chó”.

Vào tháng 6 vừa qua, một tòa án ở Hàn Quốc đã phán quyết giết chó lấy lấy thịt là phạm pháp. Tổ chức Care đã kiện một chủ trang trại chó vì giết động vật không có lý do chính đáng và vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn kiện này của Care đã được tòa án ở Bucheon ủng hộ, cho rằng tiêu thụ thịt chó không phải là lý do chính đáng để giết chó.

Theo Kim Kyung-eun, luật sư của Care, đây là một tiền lệ mở đường cho việc thông qua luật cấm hoàn toàn việc tiêu thụ thịt chó vốn được xem là “một vùng xám của luật Hàn Quốc” theo báo The Guardian.

Quốc hội Hàn Quốc cũng đã nhận được dự thảo luật cấm giết chó lấy thịt do một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ trình lên. Hiện nay ở Hàn Quốc có 17.000 trang trại nuôi chó, mỗi năm có khoảng 1 triệu con chó bị giết để lấy thịt.

Cũng theo The Guardian, một cuộc khảo sát vào năm 2017 cho thấy 70% người Hàn Quốc không ăn thịt chó nhưng chỉ khoảng 40% cho rằng nên cấm ăn thịt chó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.