Hà Nội 'vỡ' quy hoạch nội đô vì 5 năm thiếu quy chuẩn xây dựng

Vũ Hân
Vũ Hân
29/10/2018 07:04 GMT+7

Chỉ mất 1 năm để quyết định mở rộng thủ đô , 3 năm để xây dựng luật Thủ đô, nhưng 5 năm không ra được tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận nội thành cũ.

Dân số 2017 ngang với dự báo đến 2030
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa công bố báo cáo giám sát 5 năm thực hiện luật Thủ đô. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong chuỗi sự kiện: 10 năm thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính và Hà Nội đang xây dựng thí điểm đề án Chính quyền đô thị với nhiều thẩm quyền hơn.
Việc Hà Nội đã làm gì với những "đặc thù” mà luật Thủ đô đã trao cho sẽ làm sáng rõ phần nào câu hỏi, có nên trao thêm "đặc thù” mới hay không.
Theo báo cáo giám sát này, dân cư Hà Nội đã hoàn toàn "vỡ quy hoạch", khi đến 2017 đã là 9,6 triệu người (lớn hơn số dự báo đến 2030 trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô) và đến 2020 có thể đạt gần 10,5 triệu người, gần bằng con số dự báo đến 2050.
Thêm vào đó, quy hoạch đề ra nhiệm vụ hạn chế sự gia tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử, nhưng qua giám sát cho thấy, tổng dân số trung bình của 4 quận này vẫn tăng đều qua các năm.
Nếu năm 2013, tổng dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 966.806 người; thì đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người.
6 quận nội thành có tốc độ đô thị hóa cao, gồm: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2, vượt xa so với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Việc dân cư quá đông khiến Hà Nội mất cân đối trầm trọng về hạ tầng so với nhu cầu, kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế và xã hội.
5 năm không ban hành được quy chuẩn xây dựng 4 quận nội đô
Theo cơ quan giám sát, luật Thủ đô được thông qua vào 21.11.2012 và đáng lẽ cả 23 văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện luật phải cùng có hiệu lực với luật vào 1.7.2013. Tuy nhiên, trên thực tế, không có một văn bản nào có hiệu lực đúng thời hạn. Thậm chí, đến nay vẫn còn 3 văn bản chưa được ban hành.
Đáng nói là 3 văn bản này đều quy định những nội dung hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc có giãn được dân ra khỏi nội đô không, trong đó có quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn thủ đô; và quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Thiếu quy chuẩn, nhà cao tầng vẫn mặc nhiên được phép mọc lên, thậm chí, "nhiều quy định liên quan đến mật độ xây dựng, khoảng lùi, số lượng tầng nhà, chiều cao tối đa tầng nhà… TP.Hà Nội còn chưa thực hiện đúng theo Quy chuẩn chung của Bộ Xây dựng”, chứ chưa nói đến mạnh tay hơn để dẹp các dự án trong nội đô.
Báo cáo giám sát chỉ ra hậu quả của chính sách chậm trễ kể trên là nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng ở nội đô, khiến dân số khu vực này không những không giảm mà tiếp tục tăng.
Dù theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Tuy nhiên, “thông qua việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng nên dân số vẫn tiếp tục tăng.
Qua thống kê sơ bộ trong năm 2017 cho thấy, quận Ba Đình có 7 dự án chung cư cao tầng, đều nằm trên những tuyến phố chính như Liễu Giai, Đội Cấn, Giảng Võ, Láng Hạ, Yên Phụ.
Quận Đống Đa có 7 dự án như Tòa nhà HongKong Tower tại Đê La Thành; tổ hợp văn phòng cho thuê, căn hộ tại Viettronic Nguyễn Chí Thanh; một số dự án tại Hoàng Cầu, Hào Nam...
Quận Hai Bà Trưng có 6 dự án đều xây dựng trên nền đất của các công ty cổ phần trên phố Minh Khai và Lê Đại Hành như Công ty cổ phần Terra Gold Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng nhà số 7, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu...
Mở rộng Hà Nội với lý do thiếu không gian phát triển và mục đích giãn dân ra khỏi nội đô, nhưng mất 5 năm không ban hành nổi quy chuẩn xây dựng trong khu vực này, cho thấy mục đích và hành động của Hà Nội chưa song hành với nhau.
Chung cư "chèn” ngay vào khi các cơ sở công nghiệp rời ra
Việc bó chặt nội đô cũng không thể không kể đến việc thất bại trong di dời các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội thành. Trong số 9 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, chuyển trụ sở làm việc, hiện vẫn có tới 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở cũ, và 2 cơ quan còn lại thì được... chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng; không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng.
Sau gần 8 năm triển khai, đến nay vẫn chưa có cơ sở giáo dục đại học nào di dời ra ngoại thành vì chưa có cơ sở hạ tầng, hoặc thậm chí chưa được giao đất.
Trong khi đó, theo quy định của luật Thủ đô thì quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhưng trên thực tế thì rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất này. Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội,... nay là Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.