Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các Phòng GD-ĐT, các nhà trường về việc tổ chức lễ khai giảng và tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023.
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, thực sự vì học sinh |
ngọc thắng |
Lễ khai giảng trong vòng 60 phút
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023 được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố vào sáng thứ hai 5.9. Từ 7 giờ đến 7 giờ 30, các trường tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp.
Từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, tổ chức các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).
Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. "Sau khai giảng, các trường cần duy trì nền nếp hát quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng", văn bản này yêu cầu.
Đối với cấp học mầm non, các nhà trường tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Thời lượng tối đa 60 phút.
Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học, thời gian từ 8 giờ 45 đến 9 giờ 30. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học, các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Bố trí đủ giáo viên
Để tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới và các hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các nhà trường thông tin rộng rãi đến học sinh và cha, mẹ học sinh về biên chế lớp học, kế hoạch dạy học và các chương trình giáo dục của nhà trường. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh, cha, mẹ học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường, nhất là đối với học sinh đầu cấp.
Bình luận (0)