Đồng Nai: Sẽ là trung tâm kết nối vùng Đông Nam bộ
Với lợi thế "sở hữu" Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), Đồng Nai dần trở thành trung tâm trong kết nối vùng Đông Nam bộ.
Hiện tại, ngoài 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn (QL1, QL51, QL56), Đồng Nai còn có nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đi qua. Cụ thể gồm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện tại Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng tuyến cao tốc này lên từ 10 - 12 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.
Ngoài ra còn nhiều tuyến cao tốc khác chuẩn bị xây dựng gồm Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành năm 2026) và Dầu Giây - Liên Khương (kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng) sắp sửa khởi công. Bên cạnh đó là đường Vành đai 3 TP.HCM cũng đang được xây dựng, kết nối Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, còn có tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Về đường sắt đô thị (metro), Đồng Nai đã và đang phối hợp với TP.HCM, Bình Dương, Bộ GTVT nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về TP.Biên Hòa (dự kiến đặt ga tại khu vực ngã ba Vũng Tàu).
Bình Thuận: Kinh tế cất cánh nhờ gỡ nút thắt giao thông
Sự ra đời của 3 tuyến đường bộ cao tốc xuyên qua Bình Thuận hiện nay là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã giúp Bình Thuận gỡ được "nút thắt" suốt mấy chục năm qua, góp phần giảm áp lực cho tuyến QL1 dài khoảng 150 km đi qua tỉnh này.
Các tuyến cao tốc chiến lược đưa vào vận hành kịp thời là "ước mơ bao đời" của người dân xứ biển Bình Thuận. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết thay vì phải mất 5 - 6 tiếng, nay chỉ còn 3 - 4 tiếng.
Lần đầu tiên Bình Thuận đón 8,35 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 22.300 tỉ đồng; GRDP du lịch đạt 9.750 tỉ đồng, chiếm 9,11% GRDP của cả tỉnh và là một trong 10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Kết quả ấy có đóng góp rất lớn từ các công trình giao thông trọng điểm. Hiện nay, Bình Thuận đang khẩn trương hoàn thiện dự án sân bay Phan Thiết. Đây là cơ hội tiếp theo để tỉnh "mở cửa bầu trời" gọi mời du khách và đón các nhà đầu tư. Bình Thuận cũng đang hoàn thành các tuyến đường ven biển như đường Hàm Kiệm - Tiến Thành kết nối vào cao tốc; đường 719B đi Kê Gà - La Gi và sắp tới là đường ven biển Phan Thiết.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Động lực bứt phá kinh tế biển
Ngoài đường 991B được khởi công trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng loạt khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu. Các dự án này đều được thi công ngày đêm, vượt tiến độ đề ra.
Mục tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là hoàn thành 3 tuyến đường trọng điểm nói trên. Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển sẽ kết nối giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, KCN Long Sơn, Hóa dầu Long Sơn với toàn bộ các khu vực kinh tế du lịch biển của tỉnh này như Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km khi hoàn thành sẽ giải quyết ùn tắc trên QL51, tạo thành mạng lưới hạ tầng thông suốt kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo động lực phát triển bứt phá cho ngành du lịch, đô thị biển của địa phương, góp phần đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Tây Ninh: Trung tâm kinh tế cửa khẩu
Tại Tây Ninh, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được Bộ KH-ĐT hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến TP.Tây Ninh) cũng đang thực hiện các phương án tuyến và tài chính.
Ngoài ra, một số dự án giao thông đang tập trung thi công như đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2; đường ĐT.784C (Bàu Năng - Bàu Cóp) và đường kết nối cửa khẩu quốc tế Tân Nam (đoạn từ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783), dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng 8 từ cầu Quan đến Điện Biên Phủ…
Bình Phước: Cửa ngõ kết nối với Tây nguyên
Với diện tích hơn 6.800 km², Bình Phước hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Nam với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội.
Tháng 6.2022, HĐND tỉnh Bình Phước thông qua nghị quyết thực hiện 2 tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Hiện nay, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã hoàn tất thủ tục trình Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2024. Đối với dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phía Bình Phước thực hiện 7 km để đấu nối vào cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bình Phước cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, dự kiến cũng sẽ khởi công trong năm 2024 cùng với Bình Dương.
Bình Dương: Đồng loạt khởi công nhiều tuyến đường trọng điểm
Tại Bình Dương, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư với tổng số vốn trên 17.408 tỉ đồng theo phương thức đối tác công - tư PPP (loại hợp đồng BOT). Hiện nay dự án đã hoàn thành hướng tuyến cao tốc và thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Theo dự kiến từ tháng 5.2024 sẽ đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư (BOT) và dự kiến khởi công xây dựng vào dịp Quốc khánh 2.9.
Ngoài đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bình Dương còn đang triển khai nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường Vành đai 3, 4 - TP.HCM, đường tạo lực Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng; dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường ĐT.746, đường Mỹ Phước Tân Vạn và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai kết nối với TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Theo dự kiến, trong quý 3/2024, Bình Dương sẽ bàn giao khoảng 70% mặt bằng đường Vành đai 4 - TP.HCM và khởi công xây dựng vào tháng 7.
Bình luận (0)