Hạ viện Mỹ hậu thuẫn hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường với Nga

Văn Khoa
Văn Khoa
18/03/2022 13:30 GMT+7

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm hủy bỏ Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) đối với Nga và Belarus, mở đường cho Mỹ đánh thuế cao hơn đối với những mặt hàng nhập khẩu từ hai quốc gia này.

Một khi dự luật hủy Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn đối với Nga và Belarus, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có quyền công bố những mức thuế cao hơn đối với sản phẩm từ hai nước này

AFP

Dự luật trên đã nhận được 428 phiếu ủng hộ và 8 phiếu chống, đánh dấu nỗ lực mới nhất của Hạ viện Mỹ gây áp lực kinh tế lên Moscow vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo Reuters.

Để trở thành luật, dự luật trên phải được Thượng viện Mỹ thông qua. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói rằng dự luật sẽ được Thượng viện phê chuẩn nhanh chóng sau khi được Hạ viện hậu thuẫn.

Một khi được thông qua, dự luật nhằm hủy bỏ quy chế PNTR sẽ ủy quyền cho Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố những mức thuế cao hơn đối với những sản phẩm từ Nga và Belarus. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga và Belarus đối với động thái mới của Hạ viện Mỹ.

Nga thanh toán lãi trái phiếu, bác bỏ lo ngại về nguy cơ vỡ nợ

Động thái hủy bỏ quy chế PNTR đối với Nga trong Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) đang được điều phối với những nỗ lực tương tự của các nước G7 khác, gồm có Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Theo một tuyên bố chung hôm 11.3, mỗi nước thành viên thuộc G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) cam kết thực hiện các hành động độc lập nhằm hủy bỏ quy chế PNTR đối với Nga.

Tuy nhiên, sau chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga hồi tuần rồi, tác động từ việc thay đổi thuế suất có thể chỉ mang tính tượng trưng, theo ông Chad Bown, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế quốc tế (Mỹ). “Nhìn vào dữ liệu, chúng tôi không nhập khẩu nhiều thứ từ Nga”, ông Bown cho hay, theo Reuters.

Mỹ cùng nhóm G7 hủy quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga

Xem thêm các diễn biến khác liên quan đến tình hình Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.