Hai anh em sở hữu "gen trội" từ ba mẹ
Ngay từ nhỏ, Bảo và em trai được sinh ra như những đứa trẻ bình thường khác, thể hình không quá cao hay cân nặng vượt trội. Tuy nhiên, khi học tiểu học, cơ thể bắt đầu phát triển, hai anh em phần nào cảm nhận việc bản thân cao bất thường so với bạn bè cùng trang lứa.
Bảo cảm nhận bản thân phát triển nhất từ năm 12 tuổi, lúc đó đã cao đến 1,6 m, đến năm 18 tuổi thì được 2 m. Còn Ngọc cũng gần như tương tự và hiện nay cao được 1,95 m. "Những năm THCS, tôi đã cao gần 1,6 m, khi học THPT thì đạt đến 1,83 m", Ngọc chia sẻ.
Theo Bảo thì chắc do gia đình thuộc dạng "gen trội", ai cũng có thể hình cao lớn và hai anh em thừa hưởng điều đó. Chiều cao trung bình của ba mẹ Bảo là 1,7 m.
Nhờ những ưu điểm chiều cao này mà các môn thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ... hai anh em đều chơi được một cách dễ dàng.
Nỗ lực vượt qua những bất tiện
Ngoài những ưu điểm, sự khác biệt về chiều cao cũng làm hai anh em gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Thời còn đi học, Ngọc cảm thấy tự ti về chiều cao, vì cơ thể luôn gầy gò, ốm yếu, bị nhiều bạn học trêu đùa là "bộ xương di động" hay "ma cây". Ngoài ra, những bất tiện khác về cuộc sống làm Ngọc khó chịu như: không tìm được trang phục như ý, ra vào cửa trong nhà, ngồi ô tô... cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khi đến chốn đông người, hai anh em luôn bị nhìn với ánh mắt tò mò khác lạ.
"Khi xưa, cửa ở nhà chỉ 1,8 m nhưng từ khi tôi cao lên phải đập để xây lại. Không những thế, phải đi may quần áo vì không mua được đồ đúng kích thước, như mua quần thì thiếu vải, áo thì không đủ độ rộng", Ngọc kể.
Còn với Bảo chiều cao này làm cơ thể trở nên ốm yếu, dễ bị bệnh. Năm 2017, không may Bảo bị ho ra máu, phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, bác sĩ chẩn đoán bị thủng phổi. Từ cân nặng 80 kg Bảo tụt xuống còn dưới 60 kg, chỉ còn da bọc xương.
Sau 8 tháng điều trị, Bảo chỉ ngồi xe lăn, sinh hoạt hay đi học cũng phải nhờ người hỗ trợ. Tuy vậy, bằng ý chí vươn lên, Bảo dần lấy lại tinh thần và thể trạng. Cậu nhận thấy ngoài lợi thế về chiều cao thì thể trạng cân đối của người cao mới làm bản thân trở nên hoàn hảo. Từ đó, Bảo thay đổi bản thân bằng cách tập luyện thể thao để bù đắp lại những thiếu sót đó.
May mắn vào năm 2021, bảo được VĐV quốc gia Trần Hoàng Duy Phúc giúp đỡ, trong 1 tháng anh đã tăng lên 10 kg nhờ tập luyện thể hình.
Bảo cho biết anh phải ăn và nạp năng lượng rất nhiều. "Mỗi ngày tôi ăn đến 6 cữ. Nếu ăn không đủ thì có khi một ngày tôi bị giảm đến 2 kg trọng lượng cơ thể", Bảo nói.
Ngọc cho biết anh cũng vậy, tuy không bị bệnh nhưng lúc nhỏ khung xương cũng bị ảnh hưởng một phần từ chiều cao. Nhờ vào sự tập luyện thể hình, cải thiện bản thân nên Ngọc giờ đây đã có thân hình rắn chắc, khỏe, đẹp, không khác gì Bảo và luôn cảm thấy tự tin trong cuộc sống hằng ngày.
Từ việc cải thiện bản thân, Bảo quyết định bước vào con đường trở thành huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp. Bảo cho rằng đã không còn cảm thấy tự ti với bản thân nữa mà ngược lại thấy được ưu điểm của mình. Anh luôn lấy kinh nghiệm bản thân để giúp nhiều người thoát khỏi cảnh tự ti khi tập luyện.
"Giờ đây tôi cảm thấy cuộc sống rất bình thường. Tôi cảm ơn sự may mắn vì ba mẹ đã cho mình hình hài cao lớn hơn rất nhiều người. Bởi vì có nhiều người phải bỏ tiền kéo chân hay chỉ mơ ước có được chiều cao như ý mà không được", Bảo bày tỏ.
Bình luận