Hai bang chiến địa, hai tầm nhìn kinh tế Mỹ

27/09/2024 06:00 GMT+7

Hôm qua 26.9 (giờ VN), tại hai bang chiến địa, ứng viên tổng thống Mỹ của lưỡng đảng đã lần lượt lên tiếng đấu tranh cho tầm nhìn kinh tế của họ.

Trong cùng một ngày, cử tri Mỹ nhận được hai viễn cảnh về tầm nhìn kinh tế khác nhau. Nghị trình thứ nhất đến từ Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, lúc tranh cử ở bang chiến địa Pennsylvania. Ở một bang chiến địa khác là Bắc Carolina, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump cũng trình bày kế hoạch phát triển kinh tế nếu ông đắc cử ngày 5.11 tới.

"Nước Mỹ tiến lên"

Một cách trùng hợp, ứng viên lưỡng đảng đều công bố kế hoạch giải quyết một trong những chủ đề quan trọng nhất của mùa bầu cử năm nay: kinh tế. Phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế ở TP.Pittsburgh (bang Pennsylvania), Phó tổng thống Harris đề cập điều mà bà gọi là cách tiếp cận thực dụng để giải quyết bài toán kinh tế, và cam kết thi hành những chính sách tiến tới thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa.

Hai bang chiến địa, hai tầm nhìn kinh tế Mỹ- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris

ẢNH: AFP

Theo Đài NBC News, bà Harris đề xuất nghị trình "Nước Mỹ tiến lên", kêu gọi thực thi các khoản tín dụng thuế để khuyến khích đầu tư và tạo việc làm trong ngành công nghiệp. Chẳng hạn, bà kêu gọi giảm thuế 50.000 USD cho các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp. Bên cạnh đó, bà cho rằng nên rót thêm đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học và phát triển năng lượng, cũng như ủng hộ các sản phẩm nội địa Mỹ. Bà cũng đề nghị hỗ trợ 25.000 USD cho công dân Mỹ mua nhà lần đầu, cấp tín dụng thuế 6.000 USD trong năm đầu đời của trẻ sơ sinh cho gia đình mới sinh con.

"Kế hoạch trên sẽ cần đến 100 tỉ USD và một phần kinh phí sẽ được chi trả thông qua cải cách về thuế quốc tế", theo thông tin từ chiến dịch Harris. Còn những ý tưởng khác chủ yếu lấy từ nghị trình kinh tế trước đó của Tổng thống Biden vào thời điểm ông còn tái tranh cử. "Kết quả cuộc khảo sát các nhà kinh tế học hàng đầu do tờ The Financial Times và Đại học Chicago cho thấy, với tỷ lệ (hiệu quả) đến 70%, chênh lệch 3%, kế hoạch của tôi sẽ duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp", Đài PBS dẫn lời bà Harris.

Ông Trump hứa 'hãng xe Đức sẽ thành hãng xe Mỹ' nếu ông đắc cử tổng thống

"Đưa nước Mỹ trở lại"

Cùng ngày, tại một nhà máy ở thị trấn Mint Hill (bang Bắc Carolina), cựu Tổng thống Trump trình bày kế hoạch kinh tế, bao gồm những khoản thuế và khoản khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ duy trì hoạt động sản xuất trong nước.

"Tôi sẽ đưa ra mức thuế thấp nhất, chi phí năng lượng thấp nhất. Tôi sẽ cắt giảm phân nửa chi phí năng lượng, giảm thiểu gánh nặng quản lý xuống mức thấp nhất và cho phép tự do tiếp cận thị trường tốt nhất và lớn nhất hành tinh, nhưng chỉ trong trường hợp bạn sản xuất trên đất Mỹ và thuê lao động là công dân Mỹ", ông Trump tuyên bố. Bên cạnh đó, ứng viên đảng Cộng hòa lại đề nghị sử dụng biện pháp thuế quan, như áp đặt mức thuế suất 60% hoặc hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và áp dụng mức thuế suất chung là 20% cho hàng hóa nhập khẩu từ những nước khác.

Theo nhận định của Đài PBS, các cử tri đảng Cộng hòa đánh giá cao tầm nhìn kinh tế của ông Trump, đặc biệt về khoản giảm thuế. Tuy nhiên, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa lại không cho rằng việc áp đặt thuế quan là điều khôn ngoan. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cảnh báo việc tăng thuế quan có thể làm gia tăng chi phí sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ.

Cặp đấu Harris - Trump nhận được mức an ninh cao nhất

Quốc hội Mỹ đã duyệt chi ngân sách để bà Harris và ông Trump đều nhận được mức bảo vệ ở cấp tổng thống, mà theo Đài NBC News dẫn lời một chuyên gia an ninh gọi đây là điều chưa từng có. Trong lúc ông Trump tranh cử ở bang Bắc Carolina hôm 25.9, số lượng mật vụ xuất hiện xung quanh ông đã tăng mạnh. Còn khi bà Harris lên trực thăng Marine Two ở Đài Thiên văn Hải quân thuộc Washington, mật vụ Mỹ sử dụng tấm bạt đen che khuất tầm nhìn về hướng phó tổng thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.