Chiều 13.4, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết sau khoảng thời gian tích cực điều trị, 2 bệnh nhân cuối trong vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua được xuất viện, về nhà trong sáng nay. Trước khi xuất viện, sức khỏe cả hai ổn định.
Đây là những bệnh nhân bị ngộ độc nặng, phải thở máy. Trước đó, ngày 5.4, có 7 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua được xuất viện sau khoảng nửa tháng nhập viện điều trị.
Trước đó, chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 7 - 17.3), trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn có 10 người nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua, 1 người tử vong. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương.
Sau khi nhận đề nghị hỗ trợ từ ngành y tế tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam.
Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (rất quý hiếm) của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Sau khi các vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam đã lấy 22 mẫu, gửi ra Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã hoàn thành phân tích 22 mẫu gồm 4 mẫu cá ủ chua, 6 mẫu gà đông lạnh, 1 mẫu giá, 1 mẫu nước nguồn tự chảy, 9 mẫu máu của các bệnh nhân bị ngộ độc và 1 mẫu chất nôn.
Kết quả, 6 mẫu gà đông lạnh có số sinh vật hiếu khí không đạt quy chuẩn, 2 mẫu cá ủ chua tại xã Phước Chánh và xã Phước Đức (H.Phước Sơn) dương tính với Clostridium Botulinum type E. Mẫu chất nôn của bà H.T.M (ở xã Phước Kim, H.Phước Sơn) dương tính với Clostridium Botulinum.
Cuối tháng 3.2023, có 2 người dân ở H.Phước Sơn ngộ độc sau khi ăn cá chép muối chua, được đưa vào Trung tâm Y tế H.Phước Sơn cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán những biểu hiện của 2 bệnh nhân này không giống ngộ độc Botulinum, mà là ngộ độc viêm dạ dày ruột cấp do ăn thực phẩm ô nhiễm.
Bình luận (0)