Hai 'chị em' bán bánh rán, xôi chiên dành dụm trăm triệu để 'sống thật'

20/02/2018 12:31 GMT+7

'Buồn chứ, người ta nói ông Sáu đúng là vô phước mới sinh hai thằng con, trai không ra trai, gái không ra gái. Có lẽ đứa cháu nội cho cha mẹ là cái nợ lớn nhất cuộc đời', 'chị Ba' tâm sự.

Ngay góc ngã tư đường Khánh Hội giao với đường số 41 (phường 6, quận 4 TP.HCM), cứ tầm 17 giờ mỗi ngày sẽ có “chị Hai và chị Ba” lặng lẽ đẩy xe đồ chiên ra đứng bán.
VIDEO: Hai "chị em" chuyển giới bán đồ chiên 
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
"Người ta gọi hai anh em nó là “chị Hai và chị Ba”, "chị Hai" bán xôi chiên, "chị Ba" thì bán bánh rán. “Hai đứa nó bán ở đây lâu rồi, nghe hoàn cảnh cũng tội nghiệp. Bán mấy món này kiếm tiền đi phẫu thuật chuyển giới đó. Đứa em chuyển rồi, giờ còn đứa anh thôi”, bà Ngân bán đồ uống gần đó cho biết.
Không sống đúng như cha mẹ cho là… bất hiếu
Hai anh em tên thật là Nguyễn Văn Ngà (29 tuổi) và Nguyễn Văn Châu (27 tuổi). Ngay từ khi còn nhỏ, Ngà và Châu đã nhận thấy sự khác biệt của bản thân mình so với đám con trai cùng tuổi. “Nhưng mình thấy khác chứ không biết lý do tại sao. Ví dụ như mình thích chơi những trò con gái như nhảy dây, chơi búp bê… chứ không thích đá banh, bắn bi, rượt đuổi như tụi con trai”, “chị Hai” tâm sự.
Lớn thêm một chút, Ngà bắt đầu chú ý đến vẻ bề ngoài của mình hơn, thích được chải chuốt hay “được diện đầm công chúa thiệt đẹp”. Ngà kể, có những đêm nằm ngủ phải quay lưng úp mặt vào tường, không dám khóc thành tiếng mà nước mắt chảy ướt cả gối.
“Cha mẹ sinh mình ra mà, nên con cái có gì khác lạ là biết ngay. Chỉ có điều cha mẹ không nói ra, hoặc vì sợ những gì nghĩ trong đầu là sự thật nên chỉ nói kiểu gợi ý để mình biết mà tránh thôi”, Ngà xúc động khi nhắc lại chuyện cũ.
Một lần khi đang học lớp 9, thấy có đoàn lô tô về hát, thích quá nên Ngà chạy theo coi. Đêm đó, hình ảnh những “cô đào” trên sân khấu cứ hiện ra trong tâm trí, vậy là Ngà quyết định “phải thưa chuyện với cha mẹ”.
"Chị Hai" được mẹ phụ bán xôi Ảnh: Lưu Trân
Giọng “chị Hai” đều đều: “Cha mẹ nghe xong giận ghê lắm. Mẹ ngồi khóc, cha thì hầm hầm đi xuống bếp lôi cây roi ra tính đánh. Mẹ thấy vậy thì chạy tới ôm, nói mình là thôi con xin lỗi cha đi, nói là con giỡn chơi chứ không phải thiệt”.
Nhưng không, với “chị Hai”, thời khắc quyết định nói ra tất cả nghĩa là bản thân “đang khao khát được sống thật, sống trọn vẹn dù chỉ một lần”.
“Chị” kể tiếp, kể từ sau lần đó, gia đình cấm đoán, không cho chị tiếp xúc với con gái. “Hết cách, cuối cùng Hai trốn theo đoàn lô tô, bị cha bắt về bốn lần, là cũng bị cắt tóc, cạo đầu hết bốn lần. Sau rồi cha nói coi như mất đứa con”, giọng “chị” trầm hẳn.
Còn "chị Ba" thì luôn luôn có cha giúp sức Ảnh: Lưu Trân
Nói đến đây, “chị Hai” đưa tay sang nắm chặt bàn tay “chị Ba”, rồi ra hiệu cho em mình kể tiếp câu chuyện.
“Nhà thì có ba chị em, nhưng chị đầu là con riêng của má, chị cũng lấy chồng ra sống riêng từ lâu rồi. Hai với Ba thì là con trai, nhưng mà tự mình biết mình không phải vậy. Khi mà Ba tính nói thật với cha mẹ thì phát hiện anh Hai cũng như mình. Tự nhiên cái áp lực của mình càng khủng khiếp hơn”, “chị Ba” tiếp lời. Bao nhiêu lo lắng, sự dằn vặt và cả nỗi ám ảnh về một cuộc đời phải sống cam chịu trong hình hài, giới tính mà mình không hề mong muốn khiến “chị Ba” nhiều lần nghĩ đến cái chết.
Bánh rán của “chị Ba” có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/phần, tùy loại nhân khách lựa chọn
“Nhưng mà số trời đã định là Ba chưa được chết, vậy nên sau mấy lần uống thuốc ngủ thì vẫn sống nhăn răng. Chị Ba cũng mê mặc đầm nên sáng thì vẫn bình thường đi bán khoai luộc với mẹ. Tối đợi cả nhà ngủ thì mình lén ra đường, mặc đầm, tô son. Đâu được chừng mấy tuần thì bị cha bắt gặp. Sợ điếng người”.
Tưởng đâu “chị Ba” là sẽ nhận một cơn giận “kinh thiên động địa từ cha mẹ”, nhưng thực tế thì… chẳng có gì xảy ra cả. Chị xúc động nói, chắc do cha mẹ lớn tuổi rồi, cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian mà giận mà đánh. “Và cũng có lẽ do cha mẹ thương mình quá nên chỉ im lặng chấp nhận cho Ba được sống một cuộc sống đúng nghĩ”, "chị Ba" hồi tưởng.
“Mình được là con gái rồi, nhưng mà Hai thì chưa”
Để có tiền thực hiện phẫu thuật chuyển giới, “chị Ba” bắt đầu tập làm bánh rán phô mai, chà bông để bán. "Chị Ba" cười hiền: “Cha mẹ thương Ba lắm, cha bán đồ uống, mẹ bán khoai luộc, Ba thì bán bánh rán. Sau đó cả nhà tìm cách liên lạc với Hai kêu Hai về. Hai đẩy xe xôi chiên ra bán rồi nguyên đoạn này thành “khu ẩm thực” của nhà Ba luôn”.
Xôi chiên, gà bó xôi của “chị Hai” có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/phần Ảnh: Lê Nam
“Chị” kể, mỗi đêm trước khi ngủ, “chị” thường tưởng tượng lúc mình trở thành con gái thì sẽ như thế nào, “có đẹp không, có dịu dàng nữ tính không?”. Những lúc như thế, “chị Ba” lại bật dậy chạy đến trước gương để ngắm nghía từng đường nét trên gương mặt mình, niềm hy vọng hiện rõ trong đôi mắt.
Hai “chị em” cùng nhau tìm hiểu rồi mua thuốc uống để tăng hoóc môn nữ. Lúc trước, vì không có điều kiện, chị chủ yếu uống thuốc viên, hơn một năm nay, cứ cách một tuần chị đi tiêm hoóc môn một lần và đang sẵn sàng để phẫu thuật chuyển giới.
Được sự yêu thương, ủng hộ của cha mẹ, hai “chị em” đều tự hứa với chính mình sẽ sống thật tốt, không phụ lòng mong mỏi của đấng sinh thành. “Việc gì hai đứa cũng làm, ngoài bán đồ chiên thì cứ có đám ma đám cưới, hội chợ gì mà người ta kêu là hai đứa cũng đi hết. Dành dụm để phụng dưỡng cha mẹ, để phẫu thuật nữa mà”, “chị Hai” tâm sự.
Nhiều người biết hoàn cảnh của hai “chị em” nên đã ghé đến mua đồ chiên, “có người còn cho tiền, dặn đi phẫu thuật chỗ đàng hoàng” để đảm bảo sức khỏe.
Cuối cùng, ngày mà “chị Ba” mong chờ cũng đến, ngày 2.9.2015, “chị” dành dụm đủ số tiền 100 triệu và sang Thái thực hiện phẫu thuật chuyển giới. “Trước bữa đi, mẹ dắt Ba đi mua hai bộ đồ con gái từ số tiền dành dụm bán khoai, chuối luộc…”, đôi mắt “chị Ba” ươn ướt khi kể lại.
Cả gia đình cùng nhau bán đồ ăn để kiếm tiền cho "thằng lớn đi phẫu thuật chuyển giới" Ảnh: Lưu Trân
Ca phẫu thuật thành công, “chị Ba” nói lúc người ta đưa gương cho soi, chị không dám soi. “Ba sợ lắm, không biết tại sao lại sợ, trong khi điều mình mơ ước bấy lâu nay đã trở thành sự thật”, "chị Ba" nhớ lại.
Ngưng một lúc, chị ngửa mặt lên trời, tôi không biết chị nhìn gì trên đó, hay có thể là chị đang cố để giọt nước mắt không ứa ra. Chị nói: “Thương Hai lắm, xưa Hai uống thuốc tránh thai không hạp, nó đẩy ra hết nên người Hai vẫn không thon gọn như con gái được. Hai nhường cho Ba, tại Ba là em nên Ba được đi phẫu thuật trước. Giờ Hai bán vậy nhưng nói để dành tiền lo cho cha mẹ, từ từ có dư thì Hai mới làm phẫu thuật”.
Dù chưa được làm phẫu thuật, nhưng "chị Hai" lúc nào cũng dịu dàng, đằm thắm Ảnh: Lưu Trân
Ngay lúc này, tự dưng người viết lại chẳng biết nói gì cho hợp tình hợp lý. An ủi cũng không đúng, động viên cũng thấy thừa. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy bản thân mình bất lực đến vậy, chỉ ngồi yên và mong chờ có ai đó lên tiếng xóa tan bầu không khí ngột ngạt này. May là có người khách vừa tấp vào lề mua xôi chiên.
"Tình thương của cha mẹ quá lớn, chỉ buồn là mình mãi nợ cha mẹ một đứa cháu mà thôi"... Ảnh: Lưu Trân
Chào tạm biệt hai “chị em” ra về, suốt trên quãng đường đi, tôi cứ nhớ mãi câu nói của “chị Ba: “Có bữa Ba vô tình nghe được cha nói chuyện với mẹ, cha kêu dù hai đứa nó là gái hay trai hay gì thì cũng là con mình hết. Chỉ cần tụi nó sống tốt, sống khỏe là đủ bà he”, "chị Ba" nói.
Đường phố lúc này đã lên đèn, gió không lớn, chẳng hiểu sao mắt tôi lại cay!!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.