Hai Giàu... số đỏ 4 ngày liên tiếp, trúng 17 tờ vé số

10/11/2017 09:32 GMT+7

“Ôm khư khư gói tiền trúng số , cả tuần liền tôi mất ngủ. Lần đầu tiên trong đời tôi có bạc triệu. Lúc cầm tiền đầu óc tôi cứ hiện lên khuôn mặt hốc hác của 3 đứa con gái lấy chồng nước ngoài và cảnh nheo nhóc của 6 đứa cháu “mồ côi”.

4 ngày liên tiếp, trúng 17 tờ vé số
Dù nghèo, nhưng chưa bao giờ bà Hai Giàu (Nguyễn Thị Đảnh, 57 tuổi) cầu may trúng số. Bởi vậy, quanh năm bà chỉ lo làm và chưa một lần mua vé số. Năm 2013, lần đầu tiên trong đời bà bỏ ra 20.000 đồng mua 2 tờ vé số. “Chẳng ngờ chiều đó tôi trúng 2 tờ trị giá 100 triệu đồng/tờ”, bà Hai Giàu kể.
Ngay hôm sau vợ chồng bà ra thị xã tìm đại lý đổi số trúng thưởng. “Trừ thuế xong tôi còn được 180 triệu đồng lẻ 200.000 đồng. Trong đời tôi chưa bao giờ cầm trong tay số tiền lớn như vậy, vui mà run lắm. Tôi ra chợ mua hẳn 5 tờ ủng hộ người bán dạo. Tôi không ngờ tối đó lại trúng thêm 30 triệu đồng/tờ”, bà Hai Giàu kể tiếp: “Lúc đó, tôi sợ ra đại lý cũ đổi số người ta bàn tán nên nói với chồng đến đại lý khác đổi vé trúng. Đổi xong, tương tự lần trước tôi lại mua tiếp 5 tờ ủng hộ. Đến chiều dò thấy ngay giải nhất có 5 chữ số y chang. Thế là mỗi tờ tôi lại trúng 30 triệu đồng nữa”.
3 lần trúng số liên tiếp khiến bà Hai Giàu hoang mang: “Tôi như người đang mơ, sợ lúc tỉnh dậy thì chuyện trúng số biến mất. Nhưng mọi người động viên bảo chắc trời thương nên giúp tôi thoát khỏi cùng cực. Tôi tiếp tục mua thêm 5 tờ vé số và chiều đó lại trúng mỗi tờ 30 triệu đồng”, bà Hai Giàu nhớ lại.
Vậy là, chỉ trong 4 ngày, bà Hai Giàu đã 4 lần trúng số. Tổng số tiền bà nhận được gần 600 triệu đồng. Hỏi sao không tranh thủ “vận đỏ” mua nhiều vé số hơn, bà bộc bạch: “Đời tôi nghèo. Một đồng tôi cũng tiết kiệm. Lúc mua 2 tờ vé số đầu tiên tôi cũng phân vân lắm. Nhà quê mà cô, 20.000 đồng là mua được thức ăn cho cả gia đình. Tuy nhiên, nhìn người đi bán vé số lúc ấy khổ quá. Tôi thương nên mua chứ chẳng nghĩ mình sẽ may mắn. Rồi sau khi trúng số cũng vậy, tôi gặp ai cũng thấy vui. Tôi mua thêm 5 tờ cũng là để ủng hộ thôi chứ đâu nghĩ mình may mắn như vậy. Ngoài ra, tôi cũng nhủ: Nếu trời thương thì chỉ cần cho mình hết khổ. Nghĩ vậy nên sau 4 lần trúng số liên tiếp tôi không mua vé số nữa…”.
Nuôi 6 đứa cháu “mồ côi”
Có tiền bà Hai Giàu lại đâm lo. Bà từng nghe chuyện về những người trúng số bạc tỉ nhưng vì nhiều lý do mà sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều người còn tan nhà nát cửa. Bà ngẫm lại đời mình: 20 tuổi lấy chồng. Chồng nghèo, gia đình bà cũng chẳng khá hơn nên hai vợ chồng tay trắng. Sinh 8 người con nhưng vì bệnh tật, vì nghèo nên mấy đứa nhỏ đều không được đến trường. Chồng bà thì bệnh liên miên nên con cái cứ lớn là theo mẹ đi làm mướn.
Hai Giàu... số đỏ 1
Bé Như Ý cùng bà ngoại tại căn nhà sắp hoàn thành Ảnh: Lam Ngọc
Trong số 8 người con của bà Hai Giàu có 5 cô con gái. 2 cô được gửi vào chùa ở từ bé. 3 cô còn lại thì cứ đủ tuổi là lên TP.HCM “nằm đoàn” đợi mai mối lấy chồng nước ngoài. Trước khi theo chồng về Đài Loan, cô con gái thứ 6 của bà Hai Giàu tâm sự với mẹ: “Con hy sinh đời mình để lấy chồng nước ngoài. Qua đó con sẽ thu xếp gửi tiền về cho mẹ nuôi em”.
Bà Hai càng đứt ruột khi 2 cô con gái lấy chồng Đài Loan cũng quá nghèo nên chẳng có gì để gửi về VN, ngoài những đứa cháu nheo nhóc. Có đứa được gửi về cho bà Hai nuôi giúp khi mới vài tháng tuổi. Cô con gái út nhìn thấy cảnh khổ của chị thì sợ. Để tránh vết xe đổ cô lên Sài Gòn lấy chồng Hàn Quốc những mong tương lai sáng sủa hơn. Tuy nhiên, gia đình chồng cô chỉ cần con trai mà cô lại mang bầu con gái. Vậy là cô phải về VN để sinh con. Sinh được 4 tháng cô để lại con thơ cho mẹ già quay về Hàn Quốc làm thuê kiếm tiền.

Nhìn cháu thì đỡ nhớ con. Nhưng trong tâm tôi chưa bao giờ vui vẻ khi con mình còn bơ vơ ở xứ người

Bà Hai Giàu

Kể đến đây bà Hai Giàu nghẹn ngào: “Con khổ thì mình cũng khổ. Nhất là khi tôi nghe tin đứa con gái lấy chồng Hàn Quốc bị ba mẹ và cả chồng đánh đập tới mức cảnh sát phải can thiệp. Tôi chỉ ước có thể đón con về. Dù khổ, dù đói ăn tôi cũng không ham con có chồng nước ngoài nữa. Tôi thấy mình có lỗi với con nên nguyện chăm lo cho các cháu”. 6 đứa cháu của 3 người con gái bà Hai được gửi về từ Đài Loan và Hàn Quốc nhưng đều mang họ Lê (họ của ông Hai Giàu). “Một đứa là cháu ngoại nhưng trong giấy tờ tôi nhận làm con. Còn 5 đứa khác tôi năn nỉ con trai mình nhận làm cha để các cháu làm được giấy tờ đi học”, bà Hai Giàu kể.
Chúng tôi hỏi Kim Ngân (con của người con gái thứ 6 lấy chồng Đài Loan, hiện đang học lớp 12 trường huyện) có nhớ ba không? Ngân ngây thơ: “Em không nhớ mặt ba. Em ở với ngoại từ nhỏ nên giờ với em ngoại vừa là mẹ, vừa là ba và cũng là bạn. Em chỉ mong đậu ĐH để đi làm gần ngoại”. Với Ngân VN là quê hương, nhà ngoại là gia đình duy nhất.
Còn Như Ý (13 tuổi, con của người con gái út lấy chồng Hàn Quốc) thì bẽn lẽn: “Con là người VN. Con không muốn về Hàn Quốc. Con yêu ngoại nhất”. Nghe đến đây nét mặt bà Hai Giàu thanh thản hơn và kể về việc sử dụng số tiền trúng số: “Tôi gói ghém thật khéo tiền trúng số và quyết định xây một căn nhà. Căn nhà này đặng cho 3 đứa con gái. Lỡ không may bị gia đình chồng ngược đãi hoặc ruồng bỏ thì tụi nó có chỗ mà về”.
Chuẩn bị cho con chốn quay về
Việc trúng số với bà Hai Giàu như một điềm lành. Từ sau năm 2013 gia đình bà khấm khá hơn. 2 con gái bà ở Đài Loan làm công nhân tại một công ty có thu nhập ổn định. Còn cô con gái ở Hàn Quốc dù đã ly thân chồng nhưng tự lập được và không còn bị gia đình chồng ngược đãi. Khi dư giả các cô cũng gửi tiền về phụ bà nuôi con. 3 con trai của bà Hai Giàu cũng có gia đình êm ấm. Về phần 2 cô con gái ở chùa lâu lâu cũng về thăm mẹ phụ coi sóc việc xây nhà.
Bằng số tiền dành dụm được, tới nay bà Hai Giàu đang xây thêm căn nhà thứ 3. “Ban đầu tôi chỉ xây 1 căn để 3 chị em nó về VN thì sống chung. Nhưng nhờ trời tôi không bệnh đau nên tiết kiệm được nên xây thêm 2 căn nữa để chị em mỗi đứa một cái. Chuẩn bị trước cho con một chốn quay về. Có như vậy khi nhắm mắt xuôi tay tôi mới khỏi day dứt”, bà Hai tâm sự.
Bây giờ dù nhà cửa đã có, cuộc sống cũng bớt vất vả hơn nhưng bà Hai Giàu luôn dạy các cháu phải sống tiết kiệm. “Sáng nào cũng vậy tôi dậy sớm nấu nước sôi rồi để nguội. Tôi lấy đầy sẵn 6 chai nước trước giờ đi học phát cho mỗi đứa một chai. Tan học tôi cơm nước sẵn để các cháu về là có cơm ăn chứ không la cà, ăn vặt ở trường tốn kém”. Bà Hai thường nói với các cháu của mình: “Đường học còn dài, tương lai các cháu còn nhiều thứ phải lo. Muốn thoát nghèo thì phải học. Học để biết đó biết đây. Để không nghèo như bà ngoại ngày trước và không phải khổ như mẹ của các cháu ở nước ngoài”. Khi chia tay chúng tôi, bà đưa mắt nhìn Như Ý âu yếm: “Nhìn cháu thì đỡ nhớ con. Nhưng trong tâm tôi chưa bao giờ vui vẻ khi con mình còn bơ vơ ở xứ người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.