Hai luồng ý kiến về đề xuất cấm bán rượu, bia trên internet

Anh Vũ
Anh Vũ
09/11/2018 10:56 GMT+7

Đề xuất cấm bán rượu bia trên internet được đưa ra tại dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia Chính phủ vừa trình Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 9.11.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.

So với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo…

Báo cáo thẩm tra dự luật sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật.

Báo động về mức độ tiêu thụ rượu, bia

Theo thống kê của Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016, đứng thứ 64/194 nước.

Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia năm 2015 ở nam giới 44,2% và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010).  

Năm 2017, sản lượng sản xuất bia đạt hơn 4 tỉ lít. Sản lượng rượu đạt khoảng 305,2 triệu lít. Hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49.

Về quy định không được bán rượu, bia trên internet (khoản 3, điều 20), bà Nguyễn Thúy Anh cho hay còn 2 loại ý kiến khác nhau: đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này, nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.

Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.

“Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…). Đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Trước đó, sáng 8.11, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết cơ quan soạn thảo đang chịu rất nhiều tác động. Đặc biệt, các doanh nghiệp không muốn ban hành luật này, song Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ sức khoẻ, tinh thần và thể chất cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.