Ở cả châu Âu lẫn khu vực Đông Nam Á hiện đều đang sôi động vấn đề người tị nạn.
Người Rohingya (nhóm người thiểu số theo đạo Hồi ở Myanmar) tị nạn xếp hàng
lấy thức ăn tại một trại tạm cư ở làng Kuala Cangkoi, tỉnh Aceh, Indonesia - Ảnh: Reuters |
Ở châu Âu, chuyện này động chạm tới không chỉ vài nước thành viên EU mà còn tới cả EU. Ở Đông Nam Á, vấn đề người di cư đang trở thành thách thức lớn đối với Myanmar, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Hai nơi này cách xa nhau về địa lý nhưng hiện đều phải trực diện với chuyện như nhau.
Tất cả những đối tác liên quan ở cả hai nơi đều lúng túng và bối rối trong ứng phó, bế tắc và luẩn quẩn trong ý tưởng giải pháp. Dòng người di cư ngày càng đông, cả tị nạn chính trị lẫn tị nạn kinh tế, nhưng sự sẵn sàng chấp nhận người tị nạn càng ngày càng giảm. Không đối tác nào có đủ khả năng giải quyết vấn đề này một mình và chưa có dấu hiệu nào cho thấy người tị nạn từ bỏ ý định rời bỏ quê nhà ra đi bằng mọi giá.
EU và mấy nước liên quan trực tiếp ở Đông Nam Á thực thi đối sách giống nhau về bản chất và chỉ khác biệt ở mức độ. Ai cũng hô hào giải quyết vấn đề ở cả nơi gốc lẫn phần ngọn, nhưng trên thực tế vẫn gần như chưa làm gì cả. Biện pháp duy nhất được tiến hành là đẩy những con tàu thuyền chở người di cư ra khỏi phạm vi lãnh hải của mình.
Cả khía cạnh nhân đạo lẫn chính trị của vấn đề giờ đã vượt quá khả năng giải quyết của các đối tác liên quan, trong khi họ chưa thật sự hợp tác đầy đủ, tin cậy và hiệu quả với nhau. Ở cả hai nơi đều bế tắc giải pháp tình thế lẫn lâu dài và nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng chính trị an ninh chung cho cả khu vực đang ngày càng tăng.
Bình luận (0)