Hai phiên bản 'Nợ nước non' kể chuyện Bác Hồ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/05/2022 07:01 GMT+7

Hai phiên bản kể chuyện Nợ nước non của Bác Hồ lần lượt ra mắt nhân sinh nhật của Người. Đó là tiểu thuyết và vở kịch hát Nợ nước non , sáng tác của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ.

Nợ nước non từ cái nhìn xứ Nghệ

Với giọng Nghệ An đặc trưng, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ mở đầu câu chuyện về tiểu thuyết Nợ nước non của mình bằng những lời hát ru từ xứ Nghệ. “Trong tác phẩm của tôi có đoạn bà Hoàng Thị Loan ru Bác. Bà hát: Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền. Sau này, cũng trong tác phẩm, Nguyễn Tất Thành gặp cha mình khi cụ Sắc đang làm tri huyện Bình Khê, cụ nói với con trai nước mất đi tìm cha làm gì, phải đi tìm nước”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Nợ nước non là tập mở đầu trong bộ tiểu thuyết lịch sử Nước non vạn dặm, dự kiến sẽ ra mắt liên tục mỗi năm một tập. Ông Kỷ tiết lộ tập 2 sẽ viết về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng. Đây là thời kỳ có nhiều nghiên cứu nhưng thể hiện trong văn học lại chưa nhiều. Ông cũng dự kiến nói về việc Người đã tiếp xúc với văn hóa của nhiều quốc gia, điều đó, theo ông, đã làm nên Hồ Chí Minh chứ không chỉ chủ nghĩa Mác. Tập 3 sẽ nói về việc Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng và dừng lại ở chiến thắng Điện Biên Phủ.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ với dàn diễn viên của vở Nợ nước non

Trinh Nguyễn

Về tiểu thuyết Nợ nước non, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Điều đặc biệt là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của người đó. Ông đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung, song vẫn đủ tinh tế để bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy”.

Nhà văn Đỗ Anh Vũ lại “mê” phong vị quê hương thấm nhuần trong các trang văn của ông Nguyễn Thế Kỷ. “Lời ăn tiếng nói của người Nghệ đi vào tiểu thuyết một cách tự nhiên, không gượng ép mà chỉ làm tăng thêm nét thân thương. Các đơn vị từ như răng, rứa, mô, ni, nỏ… có thể nói đã trở thành quen thuộc với ngôn ngữ toàn dân nên không gây khó khăn trong sự tiếp nhận của người đọc. Những câu tục ngữ, ca dao, thơ cổ, câu đối, thư tịch được dùng với liều lượng phù hợp, nhằm tạo không khí tương thích với từng phần của tiểu thuyết”, ông Vũ đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ không phải nhà nghiên cứu đầu tiên viết về Hồ Chủ tịch. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng không phải là người đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ. Cái riêng của ông, theo ông Vũ, là việc dành nhiều thời gian hơn cho việc tập trung miêu tả các diễn biến tâm lý nhân vật, những đoạn đối thoại tâm tình, dựng nên một không khí vừa thân mật, vừa xúc động. Những tính cách nhân vật vì thế trở nên cụ thể. Cậu bé Cung (Bác Hồ ngày nhỏ) thì ngây thơ, ham học, yêu chữ nghĩa từ nhỏ. Cha Cung lại kiên nhẫn, nho nhã. Mẹ Cung trầm tư nghĩ ngợi… Nhân vật Huệ, người bạn gái của Cung từ thuở thiếu thời, cũng được tô đậm hơn qua những nét diễn biến tâm lý.

Cuốn sách Nợ nước non, NXB Văn học

BTC cung cấp

Câu chuyện lãnh tụ qua làn điệu đất nước

Ví dặm xứ Nghệ, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, cũng vang lên trong vở kịch hát cùng tên Nợ nước non. Vở diễn do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện với NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Nợ nước non là sự kết hợp giữa cải lương và nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác như dân ca ví dặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi và dân ca Nam bộ. Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên như bé Anh Đức (Nguyễn Sinh Cung), Minh Hải (Nguyễn Tất Thành), Như Quỳnh (bà Hoàng Thị Loan), Mạnh Hùng (Nguyễn Sinh Sắc), Ngân Hà (Út Huệ)… Tác phẩm dự kiến ra mắt ngày 19 - 20.5 tại Nhà hát lớn Hà Nội để kỷ niệm ngày sinh của Bác.

GS Hà Minh Đức rất hào hứng với cả hai phiên bản Nợ nước non, bản văn học và bản sân khấu. Ông nhớ lại đã có thời kỳ nhiều nhà hát, nhiều địa phương dựng vở về Bác Hồ và “mỗi tỉnh có một cụ Hồ”. Giờ đây, việc dựng vở về Bác Hồ đòi hỏi những cố gắng mới để vở diễn có được sắc thái riêng, sự hấp dẫn riêng.

Trong Nợ nước non tiểu thuyết có thể thấy dấu ấn của nhiều đoạn thoại. Đó cũng là chất liệu để chuyển thể sang sân khấu. Thêm vào đó, theo nhà văn Đỗ Anh Vũ, việc phát triển cùng lúc một tác phẩm cả ở văn xuôi và sân khấu là việc ông Kỷ không xa lạ gì. Trước đó, công chúng đã được chứng kiến ông Kỷ có Chuyện tình Khau Vai, Hừng đông ở phiên bản văn xuôi và sân khấu. “Cả ba tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ đều là hai bước chân song hành giữa kịch bản sân khấu và tiểu thuyết, tư duy của một nhà viết kịch thể hiện trước, tư duy của một nhà văn viết tiểu thuyết đến sau, nhưng cũng có thể là đồng thời”, ông Vũ đánh giá.

Tại buổi giới thiệu tiểu thuyết và vở diễn Nợ nước non, những trích đoạn sân khấu cũng được các nghệ sĩ tham gia hát “chay” không nhạc. Ví dặm duyên dáng với lối đối đáp, cải lương da diết với màn chia tay giữa Nguyễn Tất Thành và Út Huệ. Ở đó, có những mến thương của tuổi thanh xuân, có cả sự mong muốn của cha mẹ muốn nhận Út Huệ về làm dâu… Nhưng sau tất cả, sự chia tay chỉ làm rõ thêm về hình ảnh Nguyễn Tất Thành đã dấn thân vào cuộc ra đi tìm hình của nước ra sao, cũng là phần mở đầu của bộ ba tiểu thuyết Nước non vạn dặm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.