Hải Phòng xây khu bảo tồn bãi cọc liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288

Lê Tân
Lê Tân
03/05/2020 13:14 GMT+7

Sáng 3.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ , xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Theo UBND thành phố Hải Phòng, Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (lưu lại chiến tích trận Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288) có diện tích khoảng 30.680 m². Trong đó, cổng chính rộng 20 m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao có tổng chiều dài 724 m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360 m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000 m².
Ngoài ra, khu bảo tồn này còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ xây dựng diện tích 20.000 m² cùng các tiện ích khác như nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…
Riêng mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan.
Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã Lưu Kỳ, Liên Khê. Tuyến đường có mặt đường rộng 12 m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5 m, có bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ. 
Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là 427,521 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án sẽ được thi công trong 135 ngày.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng nhấn mạnh quần thể di tích khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ của Hải Phòng, cùng những di tích bãi cọc đời Trần đã phát hiện tại các khu vực lân cận thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương là những tư liệu, sử liệu vật chất vô giá, là hiện vật độc đáo bổ sung cho phần thiếu khuyết của sử liệu khi nghiên cứu về cuộc chiến chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. 
Đồng thời, phát hiện này cũng mở ra hướng nghiên cứu mới tổng thể, toàn diện, bao quát hơn về quy mô không gian và các địa điểm diễn ra trận chiến của quân và dân nhà Trần năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ phải là một công trình văn hóa, lịch sử

Ảnh HP

Cọc gỗ cổ ở bãi cọc Cao Quỳ

Ảnh Lê Tân

 
Theo Thủ tướng, việc bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ đòi hỏi một kế hoạch lâu dài, triển khai thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu di tích, tuyên truyền giá trị của di tích tới công chúng, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích; không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài. 
“Dự án Tuyến đường vào và Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ không chỉ đơn thuần là một Dự án xây dựng cơ bản đơn thuần mà là một công trình văn hóa, lịch sử. Việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản. Do vậy trong toàn bộ quá trình thi công, đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ", Thủ tướng lưu ý.
Cũng trong sáng 3.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng thông xe kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính. Đây là điểm giao giữa đường dẫn bờ Nam cầu Bính với đường Hồng Bàng, đường Bạch Đằng, đường Hùng Vương, đường Hà Nội và tuyến đường quy hoạch qua sông Rế kết nối với đường Vành đai 2 của thành phố Hải Phòng. 
Sau hơn 20 tháng thi công, nút giao nam cầu Bính đã thông xe, góp phần cải thiện điều kiện giao thông, nâng cao năng lực khai thác cầu Bính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối trong khu vực với quốc lộ 5, quốc lộ 10 và khu đô thị Bắc sông Cấm. Đây cũng là dự án có hầm đường bộ đầu tiên ở Hải Phòng (hướng đường Bạch Đằng - Hồng Bàng). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.411,190 tỉ đồng.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.10, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. 
Người dân địa phương cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
Đến ngày 21.12, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Các nhà khoa học, giáo sư lịch sử tham dự hội nghị đều thống nhất rằng bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân, dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông.
Theo các nhà khoa học, bãi cọc Cao Quỳ đã làm thay đổi nhận thức về chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Thành phố Hải Phòng cần tiếp tục có những nghiên cứu, khai quật mở rộng hơn. 
Chính vì vậy, UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng khu bảo tồn bãi cọc và tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ để để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị bãi cọc cũng như liên kết các di tích khác tại huyện Thủy Nguyên thành một quần thể thống nhất, có giá trị văn hóa - lịch sử cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.