Hai tàu cá chở gần 100 ngư dân bị lốc xoáy đánh chìm

Mạnh Cường
Mạnh Cường
18/10/2023 06:17 GMT+7

Đang hoạt động trên biển, 2 tàu cá cùng 93 ngư dân ở tỉnh Quảng Nam bị lốc xoáy đánh chìm. Tuy có tàu cá gần đó kịp thời ứng cứu nhưng 2 người đã tử vong và còn 13 người mất tích.

Tàu đắm trong 20 giây

Khoảng 1 giờ ngày 17.10, tàu cá QNa-90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi, ở xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 39 ngư dân, đang hoạt động cách bờ biển TP.Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng đông - đông nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng bắc - tây bắc, thì bị lốc xoáy đánh chìm.

Hai tàu cá chở gần 100 ngư dân bị lốc xoáy đánh chìm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) chỉ đạo công tác tìm kiếm các ngư dân mất tích

Mạnh Cường

Tàu cá QNa-91782 TS do ông Trần Văn Kỵ (41 tuổi, ở xã Tam Giang) hoạt động gần khu vực tàu chìm đã cứu được 38 ngư dân trên tàu cá QNa-90927 TS, một ngư dân của tàu này mất tích.

Trước đó, lúc 19 giờ 30 ngày 16.10, tàu cá QNa-90129 TS do ông Lương Văn Viên (47 tuổi, ở xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động, đang hoạt động cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa khoảng 70 hải lý về hướng bắc - đông bắc thì bị lốc xoáy làm chìm tàu. Tàu cá QNa-90039 TS do ông Lương Văn Cam (51 tuổi, ở xã Tam Giang) hoạt động gần đó đã cứu được 40 thuyền viên trên tàu cá QNa-90129 TS. Khoảng 11 giờ ngày 17.10, tàu cá tiếp tục tìm được thêm 2 ngư dân, nhưng do sức khỏe yếu, 2 người này đã tử vong sau đó. Hiện tàu cá QNa-90129 TS vẫn còn 12 ngư dân mất tích.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đóng tại Đồn cửa khẩu cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, H.Núi Thành) do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng ban, cùng các lực lượng chỉ đạo tiếp tục xử lý. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã huy động 1 tàu Cảnh sát biển Vùng 2, 2 tàu kiểm ngư, 1 tàu vạn hoa và 7 tàu cá của ngư dân Quảng Nam tham gia tìm kiếm ngư dân mất tích.

"Vụ việc xảy ra trên tàu cá QNa-90129 TS quá nhanh khiến tất cả ngư dân không kịp trở tay. Lốc xoáy đi qua, chỉ trong vòng 20 giây tàu đã chìm. May mắn thời điểm đó, thuyền trưởng còn thức nên đã gọi điện cho một tàu cá hoạt động cách đó khoảng 10 km đến ứng cứu đưa được 40 ngư dân lên bờ", ông Bửu nói.

Nhận định về cơ hội sống của các ngư dân, ông Bửu cho rằng nếu sóng biển cấp 3 đến cấp 5, ngư dân ôm phao có thể sống đến 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, điều lo sợ nhất là thời điểm tàu cá QNa-90129 TS bị lốc xoáy đánh chìm, 12 ngư dân đang còn mất tích sợ mắc kẹt trong khoang tàu này thì cơ hội sống sót là rất mỏng manh.

"Công tác cứu hộ đang được triển khai rất khẩn trương. Mọi nỗ lực đang được tập trung để tìm kiếm 13 ngư dân còn đang mất tích. Chúng tôi đã liên lạc đề nghị nhiều lực lượng cùng phối hợp, tính toán các khả năng có thể để cứu được nhiều ngư dân nhất. Tỉnh Quảng Nam đang làm hết sức có thể", ông Bửu nói.

Xem nhanh 20h: Thông tin vụ hai tàu cá chở gần 100 ngư dân bị chìm

Cạn nước mắt ngóng tin

Sáng 17.10, sau khi biết tin về vụ chìm hai tàu cá trên biển khiến nhiều ngư dân mất tích, rất đông người dân đã tập trung về thôn Đông An (xã Tam Giang) để tìm đến nhà những người dân có chồng, con đang mất tích trên biển nhằm hỏi thăm, động viên. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua từ khi nhận hung tin, người thân của các nạn nhân đã hết sức đau đớn, tuyệt vọng. Trong thâm tâm họ vẫn cầu mong một phép màu.

Hai tàu cá chở gần 100 ngư dân bị lốc xoáy đánh chìm - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Hồng khóc nghẹn khi hay tin em trai gặp nạn

Nam Thịnh

Tại nhà của ngư dân Đỗ Văn Hải (45 tuổi, ở thôn 4, xã Tam Giang), cả gia đình khoảng 20 người tập trung ngóng chờ tin tức. Trên gương mặt ai cũng tỏ rõ sự lo lắng. Gia đình ông Hải có 3 người đi trên con tàu bị chìm, gồm ông Hải, em ruột ông Hải là ông Đỗ Văn Trung và người cháu gọi bằng cậu. Ông Trung đã được thuyền bạn cứu sống lúc tàu mới chìm, ông Hải và người cháu mất tích.

Bà Đỗ Thị Hồng (54 tuổi, ở thôn Đông An) ngồi cùng 3 người phụ nữ, khóc nức nở khi hay tin về em trai mình là Đỗ Văn Hải: "Em trai ruột tôi đi trên tàu do ngư dân Viên làm thuyền trưởng. Sau nhiều tiếng đồng hồ mất tích, em tôi được ngư dân cứu đưa lên bờ, nhưng sau đó do sức khỏe quá yếu, em đã tử vong. Phép màu đã không còn đến với em trai tôi nữa rồi".

Cách nhà ông Hải không xa, tại ngôi nhà của ông Đặng Thống Tới (62 tuổi), hàng xóm ra vào liên tục. Những ánh mắt ngấn lệ, nhưng nuôi hy vọng người nhà mình được cứu sống. Nghe tin chồng mình mất tích, bà Đặng Thị Thọ thỉnh thoảng lại gào khóc gọi tên chồng. Trong căn nhà cũ, đôi mắt bà đỏ hoe, ngóng nhìn ra cửa sổ chỉ để chờ tin chồng từ lực lượng chức năng. "Giờ chỉ hy vọng ông ấy còn sống, đang trôi dạt ở đâu đó, tàu thuyền nào thấy cứu ông ấy giùm. Mong rằng phép màu sẽ đến, ông sẽ bình an về với tôi", bà Thọ nghẹn ngào.

Phải tận dụng "thời gian vàng"

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay sau khi nắm thông tin về các vụ chìm tàu, tỉnh đã làm việc với các cơ quan chức năng nắm bắt, chỉ đạo khẩn cấp lực lượng cơ động đến khu vực tàu bị nạn để ứng cứu, đề nghị các tàu cá của ngư dân đánh bắt gần đó phối hợp tìm kiếm tung tích các nạn nhân.

"Hiện nay khu vực các tàu gặp nạn sóng gió không quá phức tạp, nhưng vẫn có nhiều khó khăn trong tìm kiếm. Vì vậy, tỉnh đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương có các biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ cho khu vực 2 tàu bị nạn", ông Thanh nói.

Có mặt và chỉ đạo công tác tìm kiếm các ngư dân mất tích trên 2 tàu cá bị chìm ở tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng trong điều kiện gió mới chỉ ở cấp 5 nhưng do giông lốc trên biển nên tai nạn xảy ra quá nhanh.

Ông Hiệp chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương phải liên tục giữ liên lạc với các tàu câu mực, động viên ngư dân bỏ phiên biển, tập trung tìm các ngư dân trong lúc chờ tàu của các lực lượng tiếp cận hai vị trí trên. Đồng thời, các lực lượng chức năng tiếp cận nhanh nhất, xác định dòng hải lưu đang chảy về hướng tây nam, tính toán khoanh vùng vị trí để ứng cứu. Để việc tìm kiếm hiệu quả hơn, cần vận dụng kinh nghiệm của ngư dân, xuôi theo dòng hải lưu để tìm kiếm.

"Các tàu cứu nạn cố gắng phải tranh thủ "giờ vàng" đến 12 giờ trưa 18.10, phải tận dụng thời gian, quyết liệt tất cả các tàu nỗ lực tìm kiếm. Ngoài ra, cần phải hỗ trợ y tế, lương thực thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người đối với các ngư dân đã được cứu", ông Hiệp yêu cầu. 

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua 17.10 đã ký Công điện 970/CĐ-TTg, yêu cầu tổ chức tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) các ngư dân trên 2 tàu cá bị chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây.

Để kịp thời TKCN, cứu hộ các ngư dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị và lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, khẩn trương triển khai nhanh nhất các biện pháp TKCN các ngư dân mất tích. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm kịp thời, hiệu quả để cứu nạn, cứu hộ các ngư dân đang mất tích.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) phối hợp Bộ GTVT rà soát các phương tiện vận tải biển đang neo đậu và hoạt động khu vực vùng biển nêu trên, kịp thời huy động tham gia TKCN các ngư dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.