Quảng Nam nhiều vùng bị cô lập, Đà Nẵng sơ tán 1.000 người dân

18/10/2023 04:19 GMT+7

Mưa lớn kéo dài những ngày qua cộng với một số thủy điện trên thượng nguồn điều tiết xả lũ khiến nước lũ ở các con sông dâng cao gây cô lập một số địa phương vùng rốn lũ tỉnh Quảng Nam trong khi Đà Nẵng tiếp tục mưa lớn, phải sơ tán 1.000 người dân.

Quảng Nam: Ngập sâu, chia cắt, sạt lở

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều 17.10, nước sông Kôn dâng cao khiến nhiều xã ở vùng rốn lũ của H.Đại Lộc (Quảng Nam) ngập sâu, gây chia cắt hoàn toàn. "Mưa lớn những ngày qua cộng với vài thủy điện trên thượng nguồn điều tiết xả lũ khiến nước trên các sông dâng cao. Nước lũ tràn vào nhà dân, ngập sâu 1 - 1,5 m, gây cô lập hoàn toàn", bà Nguyễn Thị Trinh (54 tuổi, ở xã Đại Hưng, H.Đại Lộc) nói.

Quảng Nam nhiều vùng bị cô lập, Đà Nẵng sơ tán 1.000 người dân - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng sơ tán người dân tại khu dân cư đường Mẹ Suốt, Đà Nẵng hôm 17.10

Huy Đạt

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó chủ tịch UBND H.Đông Giang (Quảng Nam), cho biết hôm qua huyện đã di dời người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Theo ông Tùng, hiện mực nước tại các con sông, suối trên địa bàn huyện đang lên rất nhanh. Chính quyền địa phương huy động lực lượng giăng dây cảnh báo, khuyến cáo người dân không đến khu vực nước sâu, nguy hiểm. Mưa lớn cũng gây ngập một số tuyến đường, cầu ngầm; sạt lở các công trình hạ tầng, các khu dân cư...

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tây Giang (Quảng Nam), cho biết mưa lớn khiến tuyến ĐT606 bị sạt lở ta luy dương ở 5 điểm; tuyến ĐH4 sạt lở 9 điểm gây ách tắc giao thông.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay để ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu cấm biển kể từ 16 giờ hôm qua 17.10 đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường. Các cơ quan chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra…

Đà Nẵng: Lụt chồng lụt

Tại Đà Nẵng, ngày 17.10 tiếp tục có mưa lớn kéo dài khiến các khu dân cư tổ 27, 36, 42, 47 thuộc P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) ngập trở lại, có nơi ngập sâu hơn 1 m. Từ ngày 13 - 17.10, hàng nghìn người sống ở các khu dân cư P.Hòa Khánh Nam đã 2 lần tất tả kê cao đồ đạc, khóa cửa và theo chân lực lượng chức năng chạy lụt. Ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam, cho biết hôm qua chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang tổ chức sơ tán hơn 1.000 người dân khỏi vùng ngập.

Cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng cho biết mưa lớn liên tiếp gây hư hỏng nhiều công trình giao thông; sạt lở xảy ra tại nhiều tuyến đường. Sở GTVT Đà Nẵng triển khai lực lực lượng tập trung phương tiện khắc phục hậu quả và phát thông báo cấm phương tiện lưu thông qua một số tuyến đường để đảm bảo an toàn.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Chiều 17.10, đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại TP.Đà Nẵng.

Đoàn công tác kiểm tra tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nơi đang có hơn 1.000 tàu thuyền các loại của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc với các tàu thuyền đang ở trên biển; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, đặc biệt là các ghe, thuyền nhỏ đánh bắt ở gần bờ, không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão ở gần bờ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để tránh việc năm nào người dân cũng phải chạy lụt dẫn đến thiệt hại về tài sản, con người, TP.Đà Nẵng cần nghiên cứu giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ngập lụt tại đô thị.

"Đà Nẵng ở ven biển, có thuận lợi là khi mưa lớn gặp thủy triều thấp thì nước rút rất nhanh, nhưng có bất lợi là nếu thủy triều quá cao thì sẽ trở thành "đê" chắn nước, khó thoát ra được, gây ngập lụt cho thành phố. Một thành phố phát triển, thành phố du lịch không thể để tình trạng này ảnh hưởng. Thành phố phải có chiến lược để thoát nước nhanh, chấp nhận bơm cưỡng bức ở một số chỗ", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.