Hai vợ chồng, ba cái nhất

04/01/2016 05:09 GMT+7

Vợ chồng anh Ba Thuần được bà con trong xóm gọi chết tên là Ba Nhất vì có ba cái nhất: nhà nhỏ nhất, bà con lui tới nhiều nhất và là cặp vợ chồng... hóm nhất.

Vợ chồng anh Ba Thuần được bà con trong xóm gọi chết tên là Ba Nhất vì có ba cái nhất: nhà nhỏ nhất, bà con lui tới nhiều nhất và là cặp vợ chồng... hóm nhất.

Minh họa: DADMinh họa: DAD
“Đồng lõa” là... chuyện ấy
Mình hỏi anh, có chút con gái lấy chồng rồi, để đất làm gì mà ở cái nhà nhỏ xíu vầy nè? Anh Ba nhăn mũi: “Hỏi vậy cũng hỏi”. Vợ anh cười tủm tỉm, nói nhà to mắc công quét dọn, lại còn bị xâu xé, lợi lộc gì. Rồi chị kể chuyện ông Đô làng bên. Đang yên đang lành, ổng nổi hứng xây biệt thự. Xây hết đất luôn. Đào móng nứt tường nhà bên thì bị kiện. Cho nước mưa chảy qua đất người khác thì bị chửi. Hễ mưa là sinh chuyện. Thiệt đúng là... “đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ”.
Ông Đô sống không yên nên sau tân gia là quy tiên. Giỗ đầu chưa tới thì tai họa tới. Con trai, con dâu trên phố giục mẹ bán nhà để chia chác. Buồn đời, bà bán rồi chia cho hai trai một gái. Con gái không nhận. Nó nói con lấy chồng, cha mẹ cho cây mít làm nhà rồi. Giờ mẹ cứ cưa đôi cho hai anh. Xong, nó một tay dắt mẹ, tay ôm di ảnh của cha về thờ. Thằng anh lớn nói cô Tư tạm nuôi mẹ, khói hương cho cha. Hai anh về trển ổn định tình hình rồi... hẵng hay.
Chị Ba nói: “Ăn thì nhiều, ở hết bao nhiêu. Nhà chút xíu nhưng chị với ảnh ở không hết thì xây nhà lớn làm gì? Đất trống cứ để cho nó sống. Nó thở qua cây qua lá, nó nói bằng trái bằng hoa, nó làm dịu người ta vì người ta là hoa của đất. Nghĩ con người thiệt lạ. Có bao nhiêu đất cứ chất bê tông lên. Chỗ ngủ thì rộng mét hai, dài mét tám là vừa. Còn khi... mây mưa thì hẹp gấp đôi, thậm chí gấp ba cũng đủ”. Anh chồng cười tinh quái, nói: “Phu nhân Ba Thuần “từ ngữ” quá. Chi mà mây với mưa? Cứ nói là “đồng lõa” cho bình dân”.
Mình và chị Ba ngẩn ra không hiểu thì anh giải thích: “Đồng lõa” là... cùng trạng thái hổng có... mảnh vải trên thân, là vợ chồng... sinh hoạt đó mà. Mình cười sặc. Chị thì đấm lưng anh thùi thụi, nói đồ già gân, bóp méo chữ nghĩa vậy mà nói là bình dân hả?
Nồi nào úp vung đó
Có lần mình hỏi anh, vợ chồng có thể sống tới bạc đầu nhưng chắc gì... tóc không có gàu. Có lúc nào anh chị giận nhau không? Anh nói có nhưng phải theo… nguyên tắc. Tức là chỉ giận ban ngày và không quá một tiếng. Ai làm lành trước người kia phải rót nước “kính mời”. Có thể đập đồ để phát tán cơn giận nhưng đồ bị đập phải là... đồ nhựa và giá trị không quá mười ngàn. Ban đêm là thời gian buông xả, có gì cũng phải nín nhịn. Nên nhớ nhịn không phải là nhục mà là... thừa nước đục để “yêu”.
Anh nói nhà tui nhỏ nhưng bà con anh em “phong” là… trụ sở xóm đó nghen. Quả vậy. Từ nhà ra đồng rồi từ đồng về nhà, người trong xóm hay “quá cảnh” mái hiên lợp lá dừa của vợ chồng anh. Kẻ bốc cái củ khoai luộc, người uống hớp nước chè xanh, người ngả lưng xuống cái võng bện xơ dừa. Chuyện nhà chuyện cửa của bà con cứ râm ran. Anh Ba chọc cậu nông dân chậm vợ: “Yêu là phải nói, cũng như đói thì phải ăn, mày không nói không rằng, đơn phương miết thì gái nào nó biết”. Chị Ba thì ghẹo gã lực điền... chiếc bóng: “Ráng làm lụng kiếm con “xế” đi em. Chú nên nhớ đẹp trai mà cuốc bộ không bằng mặt rổ đi xe nổ”.
Một chị có con ngoài luồng với ông thầu xây dựng, anh Ba cũng có thơ động viên: Thu đi để lại lá vàng/Anh đi để lại cho nàng “cây hai”. Buồn chi cho mệt.
Một em mặc cảm vì đen và lùn thì được chị Ba khích lệ: Nồi nào úp vung đó. Gió nào gió hổng thích mây. Từ từ rồi in thiệp cưới. Đừng có lo.
Cứ thế. Ngày nào cũng vậy. Nhiều khi người trong xóm hỏi nhau, cũng cày cũng bừa, cũng lam lũ làm ăn như người ta, sao vợ chồng Ba Nhất lúc nào cũng nói cười phơi phới?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.